BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 140/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng
Sơn trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 01 năm 2025
|
Kính gửi:
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày
06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có
một số kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến
lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Hiện nay chưa có Thông tư hướng dẫn về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản
lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu
tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Đề nghị Bộ Y tế
nghiên cứu sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để địa phương triển khai.
Ngày 31/12/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số
53/TT-BYT về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm
thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
2. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng
cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; phải thực
hiện tăng đơn vị tự chủ tài chính và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước
cho các đơn vị sự nghiệp công lập, quá trình thực hiện gặp khó khăn như sau:
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định
số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài
chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định:
"3. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp
công sử dụng ngân sách nhà nước
a) Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình
tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp,
chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của
pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình
khác, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài
chính... ”.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại giá dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh mới kết cấu 02 yếu tố là chi phí tiền lương, chi phí trực
tiếp; chưa có chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo
quy định của pháp luật về giá và giá dịch vụ chỉ mới kết cấu mức lương cơ sở là
1,8 triệu đồng/tháng. Từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng
theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương
cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng
vũ trang dẫn đến việc các đơn vị tự chủ tài chính càng gặp nhiều khó khăn, theo
báo cáo của Sở Y tế các đơn vị tự chủ không đủ kinh phí chi trả lương cho viên
chức, người lao động.
Đề nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ xem xét
ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh kết cấu đầy đủ các yếu tố.
Giá khám bệnh, chữa bệnh có ảnh hưởng đến tình hình
kinh tế xã hội nên Chính phủ đã có chỉ đạo việc thực hiện điều chỉnh giá khám bệnh,
chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát,
ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình Bảo hiểm y tế toàn
dân. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng
chi trả của người dân, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Căn cứ khoản 3, Điều 110, Luật Khám
bệnh, chữa bệnh việc định giá dịch vụ trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy
định; khoản 6, Điều 119, Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày
30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa
bệnh về định giá khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ giao: “Bộ Y tế phối hợp với
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cáo cấp có thẩm quyền quyết định”.
Do vậy để điều chỉnh được giá khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế phải phối hợp Bộ,
ngành liên quan đánh giá tác động để đề xuất Thủ tướng Chính phủ thời điểm điều
chỉnh phù hợp.
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá tác
động và có công văn số 5117/BYT-KHTC ngày 28/8/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ,
Ban Chỉ đạo Điều hành giá đề xuất lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất từ 01/11/2024 bắt đầu thực hiện điều
chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
Đối với đề xuất đưa các yếu tố chi phí vào giá khám
bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành
nghiên cứu, đánh giá chi tiết. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất Thủ tướng
Chính phủ về lộ trình tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao vào giá dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế
và khả năng chi trả của người dân.
3. Hiện nay chưa có các Thông tư quy định về giá
dịch vụ khám chữa bệnh để địa phương có cơ sở ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh
trước ngày 31 tháng 12 năm 2024 theo quy định tại khoản 4 Điều
147 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành
Thông tư để địa phương có cơ sở triển khai.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, Bộ Y tế đã ban hành: (1)
Thông tư 23/2024/TT-BYT ngày 18/10/2024 ban hành danh mục kỹ thuật trong khám bệnh,
chữa bệnh; (2) Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 hướng dẫn phương pháp
định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Để triển khai thực hiện phê duyệt
giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong đó có điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh theo mức lương mới 2,34 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số
73/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ về quy định mức lương cơ sở và chế độ
tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Bộ Y tế
đã có công văn số 6417/BYT-KHTC ngày 18/10/2024 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành, các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh công lập thuộc Bộ Y tế và các Bộ khác triển khai xây dựng giá theo quy định
của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá.
4. Giá dịch vụ y tế dự phòng, pháp y, kiểm nghiệm
thấp và đã được ban hành từ lâu (năm 2016, 2017) nhưng chưa được điều chỉnh
tăng; thậm chí hoạt động giám định y khoa còn là phí, chưa phải giá dịch vụ. Đề
nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành các Thông tư quy định về giá dịch vụ y tế dự
phòng theo hướng tăng lên thay thế các Thông tư cũ đã được ban hành từ lâu
(Thông tư số 240/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định giá tối
đa kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; Công văn số
18588/BTC-CST ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính về việc thu chi phí giám định tư
pháp trong lĩnh vực pháp y; Thông tư số 35/2017/TT-BTC ngày 18/8/2017 của Bộ
Tài chính quy định giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu
làm thuốc, thuốc dùng cho người tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà
nước; Thông tư số 243/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức
thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy giám định y
khoa).
Ngày 05/02/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số
270/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch xây dựng danh mục và định mức kinh tế - kỹ
thuật các dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập. Căn cứ
Luật Giá năm 2023; Nghị định 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Giá; Bộ Y tế đã ban hành các văn bản sau: (1) Quyết
định số 3210/QĐ-BYT ngày 31/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Đề cương quy
trình kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập;
(2) Thông tư số 34/2024/TT-BYT ngày 15/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đặc
điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế
công lập; (3) Thông tư số 40/2024/TT-BYT ngày 22/11/2024 quy định đặc điểm kinh
tế - kỹ thuật các dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại
cơ sở y tế công lập; (4) Thông tư số 41/2024/TT-BYT ngày 27/11/2024 của Bộ trưởng
Bộ Y tế hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế,
y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; (5) Thông tư số 44/2024/TT-BYT ngày
23/12/2024 quy định về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật
dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; (6) Thông tư số
46/2024/TT-BYT ngày 26/12/2024 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế
dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.
5. Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và
Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ: Chi cục An toàn vệ
sinh thực phẩm và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế không
còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, cho đến
nay, vẫn chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính khi có sự thay đổi về nhiệm vụ và quyền hạn của các Chi cục này. Điều
này gây ra sự lúng túng và khó khăn trong việc xử lý các vi phạm hành chính
liên quan, làm giảm hiệu quả quản lý và điều hành trong các lĩnh vực y tế quan
trọng. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ triển khai.
Theo Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số
03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức
năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức
năng thanh tra chuyên ngành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2024, Chi cục
An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế không còn được giao thực hiện chức năng
thanh tra chuyên ngành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm
hành chính năm 2020 và khoản 1, Điều 116 của Luật thanh tra 2022
không sửa tên Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính, vẫn giữ
nguyên là “Thẩm quyền của Thanh tra”. Do đó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ
sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế không còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
như quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản
2, Điều 27, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định
xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn
vệ sinh thực phẩm có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó chuyển
hồ sơ đến người có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5, Điều 58, Luật xử lý vi phạm hành chính (Ví dụ: Chánh
Thanh tra Sở Y tế, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã...). Chi cục An toàn vệ sinh
thực phẩm có thể phối hợp với Thanh tra Sở Y tế trong thanh tra về an toàn thực
phẩm do Thanh tra Sở Y tế là chủ trì theo quy định.
Liên quan đến vướng mắc thẩm quyền thanh tra chuyên
ngành, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được Thanh tra Bộ Y tế hướng dẫn
tại Hội nghị ngày 18/8/2023 về triển khai Luật Thanh tra năm 2022, tập huấn
nghiệp vụ thanh tra y tế năm 2023 tại tỉnh Kiên Giang có sự tham gia của Sở Y tế,
Thanh tra Sở Y tế, Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ
sinh thực phẩm các tỉnh/thành phố.
Theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/02/2023 và Nghị
quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của
các chức danh. Bộ Y tế đã có ý kiến đề xuất bổ sung thẩm quyền xử phạt đối với
chức danh Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tại
Công văn số 2575/BYT-PC ngày 15/5/2024 gửi Bộ Tư pháp.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh Lạng Sơn liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: ATTP, DP, KHTC, TCCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|