10/11/2023 16:26

Quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện thế nào?

Quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện thế nào?

Tôi muốn hỏi hồ sơ cấp giấy phép xuất nhập khẩu gồm những giấy tờ gì? Quy trình cấp giấp phép xuất nhập thực hiện thế nào?_Hải Quy(Hà Giang)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hồ sơ cấp giấy phép xuất nhập khẩu gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì hồ sơ cấp giấy phép xuất nhập khẩu bao gồm các giấy tờ sau:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân: 01 bản chính.

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 01 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

- Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thương nhân cần lưu ý một số quy định trong việc xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu sau đây:

Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện

- Căn cứ Phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP, các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết về việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định pháp luật và thực hiện việc cấp phép theo quy định.

Đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng

- Việc nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định 69/2018/NĐ-CP nhưng không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Các trường hợp ngoại lệ

- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác. (Theo Khoản 1 Điều 14 Luật Quản lý ngoại thương 2017)

Như vậy, theo quy định trên thương nhân cần nộp đầy đủ hồ sơ và tuân thủ các quy định liên quan đến từng loại hàng hóa xuất nhập khẩu để tránh việc làm sai quy định và tốn nhiều thời gian hơn.

2. Quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện thế nào?

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện như sau:

- Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

- Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân.

- Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.

Lưu ý: Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

- Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất nhập khẩu.

- Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Như vậy, thương nhân có thể nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến(nếu có áp dụng) đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép. Quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện tương đối nhanh có thể từ 03 ngày làm việc đến 10 ngày làm việc. Đối với hồ sơ liên quan đến nhiều cơ quan khác mà cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cần trao đổi ý kiến thì thời hạn cấp giấy phép có thể kéo dài hơn. Trường hợp thương nhân có sửa đổi, bổ sung giấy tờ liên quan thì chỉ cần nộp giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên cần lưu ý thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất nhập khẩu.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
1619

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]