04/11/2023 17:08

Mã vạch sản phẩm là gì? Trách nhiệm của doanh nghiệp khi sử dụng mã vạch sản phẩm?

Mã vạch sản phẩm là gì? Trách nhiệm của doanh nghiệp khi sử dụng mã vạch sản phẩm?

Tôi là nhân viên pháp chế doanh nghiệp, cho tôi hỏi sau khi Doanh nghiệp đăng ký mã vạch sản phẩm thì cần lưu ý những vấn đề gì ? Ngọc Diện - Kiêng Giang

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Mã vạch sản phẩm là gì? 

Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN ngày 30/12/2020 có định nghĩa:

Mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417 và các mã vạch hai chiều khác); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác.

Mã số là một dãy số hoặc chữ được sử dụng để định danh sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân.

Trên bao bì hàng hóa, mã số mã vạch sản phẩm bao gồm mã vạch và mã số, biểu hiện như sau:

+ Mã vạch là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một quy tắc mã hóa nhất định.

+ Mã số là dãy mã số tương ứng nằm bên dưới mã vạch.

Mã số giúp con người có thể nhận diện được hàng hóa; mã vạch giúp máy quét đọc được khi đưa vào quản lý hệ thống. Mã số mã vạch trên sản phẩm là một trong những dấu hiệu đặc biệt để phân biệt hàng giả, hàng nhái cũng như xuất xứ của sản phẩm.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm

Theo quy định tại Điều 19b Nghị định 74/2018/NĐ-CP thì trách nhiệm của doanh nghiệp khi sử dụng mã vạch sản phẩm như sau: 

+ Trách nhiệm Đối với doanh nghiệp khi sử dụng mã số, mã vạch theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1

- Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Tạo và gắn mã số, mã vạch cho các đối tượng thuộc quyền sở hữu của tổ chức theo quy định;

- Khai báo, cập nhật và cung cấp thông tin liên quan về tổ chức và các đối tượng sử dụng mã số, mã vạch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng;

- Chịu trách nhiệm về tính đơn nhất của mã số, mã vạch khi sử dụng và không buôn bán sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng mã số, mã vạch theo quy định của pháp luật;

- Không bán, chuyển nhượng quyền sử dụng mã số, mã vạch cho tổ chức khác;

- Trường hợp ủy quyền cho đối tác liên doanh hoặc gia công, chế biến sử dụng mã số, mã vạch phải có văn bản ủy quyền;

- Nộp phí cấp và phí duy trì quyền sử dụng mã số, mã vạch theo quy định;

- Thực hiện đăng ký cấp mới hoặc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch;

- Thông báo bằng văn bản và nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức không có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch hoặc chấm dứt hoạt động.

- Tổ chức, cá nhân không sử dụng mã số, mã vạch cho các mục đích làm sai lệch thông tin với thông tin đã đăng ký.

+ Trách nhiệm đối với doanh nghiệp khi sử dụng mã số, mã vạch không theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1

- Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về loại mã số, mã vạch đang sử dụng

- Khi đưa các đối tượng sử dụng mã số, mã vạch ra thị trường hoặc ngoài phạm vi của tổ chức, tổ chức phải đảm bảo các mã số, mã vạch đã sử dụng không được trùng lắp hoặc gây nguy cơ nhầm lẫn với các loại mã số, mã vạch theo chuẩn của Tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1;

- Có biện pháp cảnh báo, chỉ dẫn phân biệt đi kèm hoặc loại bỏ mã số, mã vạch đó trước khi đưa ra thị trường.

+ Đối với doanh nghiệp phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa

- Kiểm tra, kiểm soát chất lượng và tính hợp pháp của mã số, mã vạch trên hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông;

- Không phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa hoặc đối tượng có sử dụng mã số, mã vạch không đúng quy định.

+ Đối với doanh nghiệp phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số, mã vạch

- Bảo đảm sử dụng nguồn dữ liệu về đối tượng sử dụng mã số, mã vạch đúng, phù hợp với nguồn dữ liệu mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1;

- Không công bố thông tin sai lệch về chủ sở hữu mã số, mã vạch hoặc đối tượng sử dụng mã số, mã vạch đã tuân thủ quy định; Trường hợp khai thác hoặc sử dụng nguồn dữ liệu mã số, mã vạch quốc gia, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả chi phí sử dụng.

3. Vi phạm quy định về mã số, mã vạch sản phẩm sẽ bị xử lý thế nào?

Theo Điều 32 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch như sau:

"1.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc không thông báo bằng văn bản khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng;

b) Không làm thủ tục gia hạn khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực;

c) Không xuất trình được văn bản hợp pháp chứng minh về quyền sử dụng mã số mã vạch khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

d) Không khai báo và cập nhật danh mục các mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) và mã số địa điểm toàn cầu (GLN) được sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền;

đ) Không thông báo bằng văn bản, kèm tài liệu chứng minh việc được sử dụng mã số nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền khi sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công hoặc bao gói tại Việt Nam;

e) Không khai báo thông tin trên cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia; khai báo thông tin trên cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia không đúng với thông tin thực tế của thương phẩm sử dụng mã GTIN hoặc địa điểm sử dụng mã GLN;

g) Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.

1a. Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.

a) Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí duy trì sử dụng mã số mã vạch. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.

b) Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.”

2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số mã vạch;

b) Sử dụng mã số mã vạch đã bị thu hồi;

c) Bán, chuyển nhượng mã số mã vạch đã được cấp.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản;

b) Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế;

b) Cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số mã vạch GS1 hợp pháp;

c) Phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

5. Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch có thể lên đến 100.000.000 đồng."

Mức xử phạt mã vạch sản phẩm có thể giao động từ 2.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tùy theo mức độ vi phạm của doanh nghiệp. 

Như vậy, doanh nghiệp cần phải biết trách nhiệm của mình khi sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm, hàng hóa, để đảm bảo sự minh bạch về nguồn gốc, kiểm định hàng hóa cho người tiêu dùng, đồng thời tránh việc bị tịch thu sản phẩm và xử phạt từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nguyễn Ngọc Diện
1563

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn