TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 01/2022/KDTM-PT NGÀY 21/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 21 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 27/2021/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 11 năm 2021 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2021/KDTM-ST ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận HB, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 157/2021/QĐ-PT ngày 17 tháng 11 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 165/2021/QĐ-PT ngày 29 tháng 12 năm 2021; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP;
địa chỉ trụ sở: Số 680 đường MK, phường VT, quận HBT, thành phố Hà Nội
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Đức V; địa chỉ: Số 21 MTB, phường VT, quận HBT, thành phố Hà Nội; chức vụ: Giám đốc Công ty (là người đại diện theo pháp luật); có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Hồng Q, bà Trần Thị Phương N - đều là Luật sư của Công ty Luật TNHH H thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; đều có mặt.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần Thương mại MK; địa chỉ trụ sở: Số 23 đường MK, phường HVT, quận HB, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Bích H, chức vụ: Tổng Giám đốc Công ty (là người đại diện theo pháp luật) và bà Nguyễn Thị MH, địa chỉ: Số 23 MK, phường HVT, quận HB, thành phố Hải Phòng (theo Giấy ủy quyền số 01/2021/GUQ ngày 02/01/2021); đều có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị N và bà Ngô Thị TN - đều là Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; đều có mặt.
- Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Thương mại MK là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo:
Tại đơn khởi kiện, bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP (viết tắt là Công ty ĐP) là một doanh nghiệp và là bạn hàng của Tổng Công ty Cổ phần BRN Hà Nội (viết tắt là Tổng Công ty BHN). Năm 2020. Công ty ĐP trúng thầu bán 2.500 tấn gạo dùng để sản xuất bia cho Tổng Công ty BHN, để có hàng giao cho Tổng Công ty BHN, ngày 05/02/2020 bị đơn, Công ty Cổ phần Thương mại MK (viết tắt là Công ty MK) và Công ty ĐP đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP về việc Công ty MK bán cho Công ty ĐP số lượng 1.300 tấn gạo tẻ dùng để sản xuất bia với đơn giá 7.770 đồng/kg; địa điểm giao nhận hàng: Hàng giao qua cân trên phương tiện của Công ty MK tại 183 HHT, quận BĐ, thành phố Hà Nội và Nhà máy BHN tại ML, xã TP, huyện ML, thành phố Hà Nội; thời gian giao nhận: Từ ngày ký hợp đồng đến hết 31/12/2020; tổng giá trị hợp đồng là 10.101.000.000 đồng; nếu bị đơn không giao đủ hàng sẽ phải bồi thường cho nguyên đơn 20% giá trị hàng không giao đủ.
Đối với phần hàng hóa còn thiếu (1.200 tấn gạo), nguyên đơn đặt mua của các đơn vị khác để có hàng giao cho Tổng Công ty BHN.
Ngày 23/5/2020, nguyên đơn đã có Công văn số 10 đề nghị bị đơn thu xếp để giao hàng với số lượng 250 tấn, thời gian giao hàng từ ngày 15/6/2020 đến ngày 30/6/2020 theo nội dung Hợp đồng đã ký. Bị đơn đã có công văn phúc đáp về việc xin chậm giao hàng và yêu cầu điều chỉnh giá và hỗ trợ vay vốn. Nguyên đơn đã có Công văn số 28 ngày 04/8/2020 đồng ý hỗ trợ cho bị đơn thêm 150 đồng/kg và yêu cầu bị đơn giao hàng đúng thời hạn. Như vậy, qua việc mua bán trên, nguyên đơn chỉ được hưởng mức lợi nhuận là 20 đồng/kg hàng hóa là gạo đã đặt mua của bị đơn. Nếu bị đơn thực hiện đúng nghĩa vụ giao 1.300 tấn gạo thì nguyên đơn cũng chỉ được hưởng mức lợi nhuận là 1.300 tấn x 20.000 đồng = 26.000.000 đồng. Sau đó, hai bên đã nhiều lần trao đổi bằng văn bản và đã có lần gặp nhau để bàn cách tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng đã ký kết. Ngày 25/8/2020, Công ty MK có Công văn số 165 nêu ý kiến thỏa thuận lại về giá là 8.000 đồng/kg và yêu cầu Công ty ĐP phải chuyển tiền trước giao hàng sau, trường hợp Công ty ĐP không chấp nhận các nội dung trên hai bên sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng.
Ngày 27/8/2020, Công ty ĐP đã có Công văn số 30 gửi Công ty MK về việc yêu cầu Công ty MK phải thực hiện việc giao hàng cho Công ty ĐP theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, đến nay thì bị đơn không thực hiện việc giao hàng (1.300 tấn gạo dùng để sản xuất bia) cho nguyên đơn theo đúng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng đã ký kết.
Về việc bị đơn cho rằng Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 được hai bên ký kết là hợp đồng giả cách là không đúng và không có căn cứ, bởi lẽ: Các văn bản giao dịch giữa bị đơn và nguyên đơn đã thể hiện việc sau khi ký kết hợp đồng, hai bên đã tiến hành bàn thảo việc thực hiện hợp đồng mà vụ thể là nghĩa vụ giao hàng của bị đơn cho nguyên đơn. Tại Tòa án, chính bị đơn cũng đã thừa nhận nội dung việc bị đơn đã chuẩn bị 500 tấn gạo để giao cho nguyên đơn. Như vậy, việc mua bán gạo giữa Công ty ĐP và Công ty MK là có thật, được các bên bàn bạc thực hiện. Mặt khác, quá trình thực hiện chính Công ty MK còn đặt ra điều kiện thay đổi về giá và điều khoản thanh toán để thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Tại Công văn số 30 ngày 27/8/2020, Công ty ĐP đã nêu rõ nội dung: “Nay nhắc lại nội dung ý nghĩa chính của việc ký hợp đồng (HĐ) giữa hai công ty: Đây là Hợp đồng Công ty ĐP ký hộ để Công ty MK giao hàng cho Tổng Công ty Cổ phần BRN Hà Nội thông qua Công ty ĐP, Công ty ĐP chỉ giữ lại 20 đồng/kg để làm bảo lãnh thực hiện Hợp đồng hộ Công ty MK.” Nội dung này thể hiện là Công ty ĐP được hưởng lợi không đáng kể từ bản Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 đã ký với Công ty MK, với số lợi nhuận được hưởng chỉ là 26.000.000 đồng. Trong khi để ký được hợp đồng với Công ty Bia Hà Nội thì Công ty ĐP phải mở chứng thư bảo lãnh ngân hàng, phải trả phí. Ngược lại, Công ty MK không phải có nghĩa vụ mở chứng thư bảo lãnh Ngân hàng đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng đã ký với Công ty ĐP.
Việc Công ty MK cố tình không thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo cam kết tại Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 nên Công ty ĐP đã phải huy động hàng từ nhiều nguồn khác nhau để bù đắp lượng thiếu hụt và phải chịu thiệt hại về chênh lệch giá và phải bù lỗ khoảng 2.210.717.070 đồng, được thể hiện cụ thể qua các hóa đơn GTGT đầu vào và đầu ra đã xuất cho Công ty Bia Hà Nội để chứng minh việc mua bán hàng và số tiền mà Công ty ĐP đã phải chịu thiệt hại do phải bỏ ra để bù lỗ.
Thực tế, qua tìm hiểu nguyên đơn được biết là do dịch bệnh Covid 19 diễn ra đã đẩy giá gạo lên cao nên bị đơn không giao hàng cho nguyên đơn mà chọn cách đem bán cho các đơn vị khác để được hưởng mức chênh lệch lợi nhuận lớn hơn (khoảng 40%) so với mức bồi thường thiệt 20% mà Công ty MK cam kết tại bản Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020.
Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội để phòng chống dịch bệnh nên nguyên đơn có đề nghị xin được vắng mặt tại phiên tòa và vẫn giữ nguyên mọi ý kiến, yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết: Buộc bị đơn Công ty MK phải trả cho Công ty ĐP khoản tiền bồi thường do không giao toàn bộ lượng hàng tương đương 20% giá trị hợp đồng đã ký với số tiền cụ thể là 2.020.200.000 đồng.
Quan điểm của bị đơn trong quá trình giải quyết vụ án:
Tại các văn bản trình bày ý kiến đề ngày 24/12/2020, ngày 11/01/2021, các biên bản hòa giải ngày 11/01/2021 và ngày 15/4/2021; biên bản phiên họp công khai chứng cứ ngày 08/9/2021 và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn thống nhất trình bày: Bị đơn xác nhận giữa bị đơn và nguyên đơn có ký kết Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 về việc Công ty MK bán cho Công ty ĐP 1.300.000 kg (1.300 tấn) gạo tẻ dùng để sản xuất bia với đơn giá 7.770 đồng/kg; địa điểm giao nhận hàng: Hàng giao qua cân trên phương tiện của Công ty MK tại 183 HHT, quận BĐ, thành phố Hà Nội và Nhà máy BHN ML, xã TP, huyện ML, thành phố Hà Nội; thời gian giao nhận: Từ ngày ký hợp đồng đến hết 31/12/2020; tổng giá trị hợp đồng là 10.101.000.000 đồng; nếu Công ty MK không giao đủ hàng sẽ phải bồi thường cho Công ty ĐP 20% giá trị hàng không giao đủ. Căn cứ Công văn số 28 ngày 04/8/2020 của Công ty ĐP thì bị đơn cho rằng đây là Hợp đồng giả cách chứ không phải là hợp đồng được các bên thỏa thuận ký kết và thực hiện trên thực tế. Do vậy, bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bị đơn cho rằng nội dung Công văn số 584/HABECO-VP ngày 17/6/2021 của Tổng Công ty BHN trả lời Công văn của Tòa án như vậy là thiếu trách nhiệm vì Tổng Công ty BHN đều nắm được số lượng hàng hóa được giao và số liệu quyết toán thanh toán của Công ty ĐP và Công ty MK. Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng thì Công ty MK đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ lượng hàng hóa để giao cho Công ty ĐP trong suốt 03 tháng kể từ sau khi ký hợp đồng thì Công ty MK cũng không nhận được bất cứ một đề nghị nào của Công ty ĐP về việc yêu cầu giao hàng theo hợp đồng đã ký nên Công ty MK đã phải chuyển đổi lượng hàng hóa đó cho đơn vị khác để tránh hư hỏng hàng hóa và trượt giá. Đến tháng thứ 5 sau khi ký hợp đồng thì lúc đó Công ty ĐP mới yêu cầu giao hàng thì Công ty MK yêu cầu thương lượng điều chỉnh về giá cả do bị ảnh hưởng của dịch bênh Covid 19 là giá gạo tăng đột biến. Hai bên đã gặp nhau đàm phán và thống nhất miệng với nhau về việc điều chỉnh tăng giá và yêu cầu Công ty ĐP đặt cọc trước số tiền 3 tỷ đồng nhưng sau đó phía Công ty ĐP không hề hồi âm, trả lời cho Công ty MK như thỏa thuận miệng với nhau nên Công ty MK đã không giao hàng cho Công ty ĐP. Sau đó, Công ty ĐP đã khởi kiện vụ việc này tại Tòa án. Do vậy, bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải trả khoản tiền bồi thường tương đương 20% giá trị của hợp đồng đã ký với số tiền cụ thể là 2.020.200.000 đồng. Bị đơn đề nghị Tòa án xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngoài ra, bị đơn không còn bất cứ yêu cầu, ý kiến gì khác.
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2021/KDTM-ST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân quận HB, thành phố Hải Phòng đã: Căn cứ vào các điều 24, 34, 35 Luật Thương mại 2005; khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về tranh chấp Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 được ký kết giữa Công ty Cổ phần Thương mại MK và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP.
Buộc bị đơn là Công ty Cổ phần Thương mại MK phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP do không giao đủ hàng hóa theo Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 với số tiền 2.020.200.000 đồng.
2. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất đối với khoản tiền chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 08/10/2021, Tòa án nhân dân quận HB đã nhận được Đơn kháng cáo của bị đơn là Công ty Cổ phần Thương mại MK đề ngày 07/10/2021. Nội dung kháng cáo của bị đơn: Kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị đơn cung cấp thêm bản photo biên bản làm việc với ông V (thương lượng hợp đồng) ngày 23/7/2020 được sao chụp từ sổ tay công tác của ông Vũ Duy X - nguyên phó tổng giám đốc Công ty MK.
+ Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là Công ty MK về nội dung kháng cáo: Căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng giữa Công ty MK và Công ty ĐP là Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 và Kết luận tại cuộc họp thảo luận giữa 2 Công ty ngày 23/7/2020 với nội dung: Công ty ĐP chuyển trước cho Công ty MK 30% giá trị Hợp đồng, điều chỉnh giá từ 7.770 đồng/kg lên 7.920 đồng/kg. Mặc dù thỏa thuận này không được lập thành viên bản nhưng được thể hiện trên các văn bản trao đổi sau: Tại Công văn số 157/CV ngày 30/7/2020 của Công ty MK đã nêu các nội dung đã thỏa thuận tại cuộc thương thảo ngày 23/7/2020; Công văn số 27 về việc thực hiện Hợp đồng ngày 31/7/2020 của Công ty ĐP đã xác nhận tinh thần thống nhất như nội dung Công văn 157 đã nêu; Công văn số 160 ngày 01/8/2020 về việc thực hiện các thỏa thuận tại cuộc thương thảo ngày 23/7/2020 của Công ty MK đã yêu cầu Công ty ĐP giữ nguyên các nội dung đã thỏa thuận tại cuộc họp ngày 23/7/2020; Công văn số 28 ngày 04/8/2020 của Công ty ĐP về việc thực hiện Hợp đồng cũng đã đề cập đến cuộc trao đổi ngày 23/7/2020; Công văn số 162/CV ngày 05/8/2020 của Công ty MK cũng đề cập đến nội dung thương thảo giữa 2 Công ty ngày 23/7/2020; Công văn số 29 ngày 05/8/2020 của Công ty ĐP cũng đã xác nhận nội dung thỏa thuận ngày 23/7/2020.
Như vậy, các Công văn trao đổi giữa 2 Công ty đều thể hiện có cuộc thỏa thuận ngày 23/7/2020 và nội dung thỏa thuận đều được 2 Công ty thống nhất, đây là những tình tiết sự kiện không phải chứng minh theo điểm a khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Tuy nhiên, sau cuộc thương thảo ngày 23/7/2020, giữa hai bên vẫn có nhiều đề nghị thay đổi, điều chỉnh nội dung thỏa thuận khác nhưng không được cả 2 bên nhất trí nên hai Công ty vẫn phải tôn trọng và chấp hành thỏa thuận ngày 23/7/2020. Các quan điểm sau ngày 23/7/2020 giữa 2 Công ty không thống nhất được nên không là cơ sở, căn cứ để 2 Công ty thực hiện và không có thỏa thuận tiếp theo nào phủ định được thỏa thuận ngày 23/7/2020; vì vậy, thỏa thuận ngày 23/7/2020 là một bộ phận không tách rời Hợp đồng và hai Công ty phải có trách nhiệm thực hiện đúng cùng với Hợp đồng đã ký kết.
Việc Công ty ĐP khởi kiện Công ty MK vào ngày 27/10/2020 trong khi Hợp đồng số 01/2020/HĐKT/MK-ĐP ngày 05/02/2020 có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; Công ty ĐP đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật nên phải tự chịu mọi thiệt hại do việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật gây ra. Công ty MK không có lỗi, không vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong Hợp đồng, hai Công ty không có thỏa thuận về việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng. Trong khi hai Công ty đã có thỏa thuận và đang trong quá trình thỏa thuận để thay đổi thỏa thuận ngày 23/7/2020 nhưng chưa thống nhất được. Tuy nhiên, Công ty ĐP đã khởi kiện là hành vi chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật của Công ty ĐP vì vậy Công ty ĐP phải tự chịu thiệt hại về toàn bộ số tiền chênh lệch giữa giá gạo mua (giữa Công ty ĐP với Công ty Lam Sơn Thái Bình, chi nhánh Công ty Lương thực thực phẩm miền Nam tại Vĩnh Long) và giá gạo bán (giữa Công ty ĐP với Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội) khoảng 2.210.717.070 đồng (theo tài liệu, chứng cứ của Công ty ĐP về thiệt hại này). Công ty MK không vi phạm Hợp đồng, Công ty ĐP đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật nên việc Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc Công ty MK phải bồi thường cho Công ty ĐP số tiền là 2.020.200.000 đồng (bằng 20% giá trị Hợp đồng kinh tế) là không có căn cứ. Từ ngày 27/10/2020 - Công ty ĐP khởi kiện Công ty MK đến ngày 31/12/2020 là ngày hết hạn thực hiện hợp đồng, Công ty MK hoàn toàn có thể thực hiện đúng Hợp đồng nhưng do hành vi đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật của Công ty ĐP nên Công ty MK không thể tiếp tục thực hiện Hợp đồng kinh tế nên Công ty ĐP phải chịu hậu quả do việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật của Công ty ĐP. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty ĐP đối với Công ty MK, Công ty MK không phải bồi thường về số tiền thiệt hại mà Công ty ĐP yêu cầu là 2.020.200.000 đồng.
+ Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đối với nội dung kháng cáo của bị đơn: Công ty ĐP không đơn phương chấm dứt hợp đồng trước, bởi lẽ: Công văn của Công ty MK đã thể hiện nếu Công ty ĐP không đồng ý với nội dung Công văn số 165 của Công ty MK thì sẽ chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên Công ty ĐP không chấp nhận việc chuyển trước 30% giá trị Hợp đồng. Khi xảy ra biến động thị trường về giá gạo, Công ty ĐP đã có sự chia sẻ với Công ty MK, tại Công văn số 30 ngày 27/8/2020, Công ty ĐP đã chấp nhận một số thỏa thuận giữa các bên và đề nghị Công ty MK không đồng ý các thỏa thuận thì sẽ khởi kiện ra Tòa. Công ty MK chưa giao 250 tấn gạo cho Công ty ĐP do dịch bệnh, Công ty MK đã đặt ra các điều kiện với Công ty ĐP về việc tăng giá bán, thanh toán trước 30% giá trị hợp đồng…Các yêu cầu Công ty MK đưa ra, Công ty ĐP đã yêu cầu sửa đổi để các bên ký phụ lục nhưng không thống nhất được nội dung điều chỉnh hợp đồng. Việc thay đổi nội dung hợp đồng phải được sự chấp thuận bằng văn bản của 2 bên. Công ty MK đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước khi Công ty không đồng ý các yêu cầu và được thể hiện tại Công văn 165, Công ty MK đã yêu cầu Công ty ĐP phải đồng ý các thỏa thuận nếu không sẽ chấm dứt hợp đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện hợp pháp của bị đơn cũng trình bày lý do Công ty MK không giao hàng cho Công ty ĐP là do không tin vào khả năng thanh toán của Công ty ĐP. Do đó, về ý chí Công ty MK đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước Công ty ĐP. Công ty ĐP có ký hợp đồng với các đơn vị khác với giá thấp hơn Công ty MK bởi Công ty ĐP thanh toán cho Công ty MK sau khi giao hàng.
Mặt khác, theo ý kiến của bị đơn về việc nội dung thương thảo ngày 23/7/2020 có hiệu lực là không chính xác. Tại khoản 4.1 Điều 4 Hợp đồng đã thỏa thuận: “Bất kỳ sự thay đổi hay bổ sung nào cho hợp đồng này đều phải được chấp thuận bằng văn bản của cả 2 bên”. Nội dung thương thảo ngày 23/7/2020 chưa được lập thành văn bản, nội dung của thỏa thuận phải phù hợp với hình thức. Đồng thời, tại Công văn số 157, Công ty MK cũng thừa nhận các bên chỉ đang thương thảo, chưa thống nhất được nội dung và phải ký phụ lục Hợp đồng.
Về điều khoản bồi thường 20% giá trị hàng hóa không giao đủ. Công ty ĐP có ký hợp đồng với Tổng Công ty BHN có nội dung về trách nhiệm vi phạm hợp đồng và có thỏa thuận nếu bên Công ty ĐP vi phạm phải chịu phạt 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm và phải bồi thường thiệt hại. Khi ký hợp đồng với Công ty MK, Công ty ĐP đã chuyển rủi ro không thực hiện hợp đồng cho bên giao hàng là phù hợp với quy luật thị trường. Mức bồi thường thiệt hại 20% xuất phát từ rủi ro mà Công ty ĐP phải chịu khi thực hiện Hợp đồng với Công ty Bia Hà Nội. Thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại giới hạn là 20% nhưng thực tế, Công ty ĐP phải chịu thiệt hại lớn hơn. Công ty ĐP kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại không phải phạt vi phạm, nếu xác định là phạt vi phạm thì Công ty ĐP còn yêu cầu thêm cả bồi thường thiệt hại.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng cáo:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.
- Về quan điểm giải quyết vụ án:
+ Xét hợp đồng kinh tế số 01/2020: Ngày 05/02/2020 Công ty ĐP và Công ty MK ký Hợp đồng kinh tế số Hợp đồng số 01/2020. Hợp đồng được ký kết tự nguyện bởi các bên chủ thể có đầy đủ năng lực và thẩm quyền, hình thức và nội dung hợp đồng đảm bảo đúng quy định pháp luật nên là hợp đồng hợp pháp. Quá trình thực hiện hợp đồng, các bên thương lượng thỏa thuận sửa đổi nội dung giá mua bán gạo nhưng không đạt được sự thống nhất nên đã không ký kết bất cứ Phụ lục hợp đồng hay Văn bản sửa đổi bổ sung Hợp đồng số 01/2020 nào khác. Do đó các Công văn, văn bản trao đổi giữa hai bên không phải là thỏa thuận sửa đổi bổ sung hợp đồng. Các bên có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản như đã cam kết tại Hợp đồng theo quy định tại Điều 4.1: “Hai bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh giao dịch mua bán dựa theo những điều khoản và điều kiện nói trên. Bất kỳ sự thay đổi hay bổ xung nào cho hợp đồng này đều phải được chấp thuận bằng văn bản của cả 2 bên.” Tại nội dung hợp đồng thỏa thuận về địa điểm, phương thức giao nhận và phương thức thanh toán, theo đó: Công ty MK bán cho công ty ĐP 1.300 tấn gạo với giá 7.770 đồng/01 kg. Tổng giá trị của Hợp đồng là 10.101.000.000 đồng; Thời hạn giao hàng: Từ 05/02/2020 đến 31/12/2020. Đồng thời, hai bên còn thỏa thuận về trách nhiệm, nghĩa vụ trong trường hợp vi phạm hợp đồng như giao hàng không đảm bảo chất lượng và số lượng, tại Điều 4.2 Hợp đồng quy định: “Gạo giao phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổng Công Ty CP BRN Hà Nội, hàng không đảm bảo chất lượng Bên A phải đổi lại hàng cho Bên B. Nếu bên A không giao đủ hàng sẽ phải bồi thường cho bên B 20% giá trị hàng không giao đủ”.
+ Về thời hạn của hợp đồng: Hợp đồng chỉ quy định: Thời gian giao nhận hàng từ ngày ký hợp đồng (05/02/2020) đến hết ngày 31/12/2020 (do yếu tố khách quan đến thời điểm trên nếu Tổng công ty BRN HN chưa nhận hết hàng, bên A và bên B sẽ làm phụ lục gia hạn hợp đồng, mọi điều khoản ở hợp đồng chính vẫn được giữ nguyên. Phụ lục là một phần không thể tách rời của hợp đồng trên). Trong khi đó hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn có hiệu lực của hợp đồng mà chỉ quy định “Hết thời hạn hợp đồng nếu hai bên không có khiếu nại gì, hợp đồng tự thanh lý” nên mặc nhiên hiểu thời hạn hợp đồng là đến thời điểm hai bên hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao 1.300 tấn gạo và thanh toán tiền cho nhau mà không cần chờ đến hết ngày 31/12/2020; hoặc là hiểu đến ngày 31/12/2020 do yếu tố khách quan mà Công ty BHN chưa nhận hết hàng hai bên sẽ làm phụ lục gia hạn thời hạn hợp đồng cho đến khi Công ty BHN nhận đủ hàng là 1.300 tấn. Trường hợp này, chưa đến hết ngày 31/12/2020, hai bên không có phụ lục gia hạn thời hạn, cũng chưa thống nhất thanh lý hợp đồng, hai bên vẫn đang trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng và đang trong quá trình thương lượng phương án tiếp tục thực hiện hợp đồng nên chưa có căn cứ xác định bị đơn không hoàn thành nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn như cam kết tại hợp đồng. Song nguyên đơn đã tiến hành khởi kiện tại Tòa án (Tòa án thụ lý ngày 10/12/2020) là đã vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng. Trong quá trình giải quyết tại tòa án cấp sơ thẩm, các bên không tranh chấp về thời hạn thực hiện hợp đồng. Và đến thời điểm xét xử sơ thẩm thời hạn cũng đã hết, trước đó các bên không ký kết phụ lục gia hạn thời hạn nên cần xác định đã hết thời hạn hợp đồng, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ về giao không đủ số lượng đã cam kết nên phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng.
+ Về việc thực hiện hợp đồng: Theo Hợp đồng, các bên thỏa thuận mua bán số lượng hàng là 1.300 tấn, với giá 7.770 đồng/kg, Thời hạn giao hàng: Từ 05/02/2020 đến 31/12/2020. Ngày 23/5/2020 Công ty ĐP đã gửi Công văn số 10 đề nghị Công ty MK thu xếp giao hàng với số lượng 250 tấn, thời gian giao hàng từ ngày 15/6/2020 đến 30/6/2020. Sau đó các bên không thống nhất được thay đổi về giá cả và phương thức thanh toán như đã trình bày tại đơn khởi kiện, bản tự khai, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa hôm nay. Với đơn hàng theo Công văn số 10 ngày 23/5/2020 Công ty MK chưa thực hiện được việc giao hàng cho Công ty ĐP là đã vi phạm hợp đồng đã ký kết, không giao đúng đủ số lượng hàng là 250 tấn gạo. Sau đó Công ty ĐP không có văn bản đặt hàng yêu cầu Công ty MK tiếp tục cung cấp hàng theo hợp đồng mặc dù thời hạn giao nhận hàng vẫn còn. Như vậy, cả hai bên đều có lỗi vi phạm hợp đồng, lỗi phần nhiều thuộc về Công ty MK nên Công ty MK phải có nghĩa vụ chịu phạt do vi phạm hợp đồng tương ứng với mức độ vi phạm (nếu các bên thống nhất nội dung hợp đồng là thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng) hoặc phải chịu bồi thường thiệt hại theo mức thiệt hại thực tế mà bên nguyên đơn phải chịu.
+ Đối với yêu cầu của nguyên, tại phiên tòa: Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn trình bày không yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng mà chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại nên cần xác định thiệt hại thực tế đã xảy ra. Căn cứ quy định tại Điều 302 về bồi thường thiệt hại: “1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.” Xét thiệt hại thực tế mà nguyên đơn phải chịu do vi phạm của bị đơn gây ra như sau: Vì quá trình thực hiện nguyên đơn có Công văn số 10 ngày 23/5/2020 yêu cầu bị đơn giao hàng 250 tấn, thời gian giao hàng từ 15/6/2020 đến 30/6/2020 nhưng do bị đơn vi phạm thỏa thuận không cung cấp được hàng theo yêu cầu nên nguyên đơn phải ký hợp đồng mua hàng với đối tác khác với giá cao hơn đã ký với bị đơn. Cụ thể: 200 tấn x 10.006 đồng/kg = 2.001.200.000 đồng (hóa đơn năm 2020); 50 tấn x 11.660 đồng/kg = 583.000.000 đồng (hóa đơn năm 2021). Trong khi đó Công ty ĐP giao hàng cho Công ty B Hà Nội với giá 7.790 đồng/kg tức là: 250 tấn x 7.790 đồng/kg = 1.947.500.000 đồng. Tuy nhiên, do hợp đồng các bên chỉ thỏa thuận thời gian giao hàng từ khi kí hợp đồng đến hết năm 2020, hóa đơn mua hàng năm 2021 không được xác định là thiệt hại thực tế xuất phát từ hợp đồng đã ký kết. Do đó thiệt hại thực tế mà nguyên đơn phải chịu là: [200 tấn x 10.006 đồng/kg = 2.001.200.000 đồng (theo hóa đơn năm 2020)] – [200 tấn x 7.790 đồng/kg = 1.558.000.000 đồng] = 443.200.000 đồng.
Do đó, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xưt tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 443.200.000 đồng và các đương sự chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của bị đơn, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về thủ tục tố tụng:
[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận HB, thành phố Hải Phòng theo khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm b, g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
- Xét kháng cáo của bị đơn:
[2] Xét Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 được ký kết giữa Công ty MK và Công ty ĐP: Việc giao kết được lập văn bản và do người đại diện hợp pháp của 2 Công ty ký kết trên cơ sở tự thỏa thuận và tự nguyện, không bị ép buộc, nội dung thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật nên có hiệu lực pháp luật buộc các bên phải thực hiện. Việc bị đơn trình bày đây là Hợp đồng giả cách là không có căn cứ bởi lẽ: Các bên đều thừa nhận việc ký hợp đồng là tự nguyện, không bị ép buộc; Công ty MK đã trình bày có việc thu mua gạo để đợi chuyển cho Công ty ĐP, đồng thời Công ty ĐP cũng đã có văn bản đề nghị Công ty MK giao hàng theo thời gian đã ấn định. Mặt khác, giữa 2 bên cũng có các văn bản trao đổi về việc thỏa thuận thực hiện hợp đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP có hiệu lực pháp luật và buộc các bên phải thực hiện là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
[3] Về việc thực hiện Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP: Theo Điều 4 của Hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận: “Hai bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh giao dịch mua bán dựa trên những điều khoản và điều kiện nói trên. Bất kỳ một sự thay đổi hay bổ sung nào cho Hợp đồng này đều phải được chấp thuận bằng văn bản của cả hai bên”. Đồng thời, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên không ký thêm Phụ lục Hợp đồng nào để điều chỉnh Hợp đồng mà chỉ có các văn bản trao đổi, chưa có văn bản nào thể hiện việc thống nhất thỏa thuận của cả hai bên.
[4] Theo Điều 2 của Hợp đồng, hai bên thỏa thuận về thời gian giao nhận hàng từ ngày ký hợp đồng đến hết ngày 31/12/2020, tuy nhiên các bên không thỏa thuận với nhau về việc ấn định lịch giao hàng cụ thể. Theo khoản 2 Điều 37 Luật Thương mại quy định: “Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua”. Theo đó, Công ty MK được quyền chủ động giao hàng cho Công ty ĐP và phải thông báo trước, tuy nhiên Công ty MK không thực hiện quyền của mình mà đợi Công ty ĐP yêu cầu giao hàng. Việc Công ty MK trình bày đã thu mua gạo của Công ty Phương Thanh để giao nhưng do lâu không thấy Công ty ĐP yêu cầu giao hàng nên đã bán cho đơn vị khác để tránh hư hỏng hàng hóa và trượt giá là có căn cứ. Sau khi ký Hợp đồng, Công ty ĐP không có ý kiến thông báo cho Công ty MK biết thời điểm dự kiến lấy hàng và Công ty MK khi thu mua được gạo không có ý kiến thông báo cho Công ty ĐP biết việc đã thu mua được gạo và chuẩn bị giao hàng cho Công ty ĐP nên việc Công ty MK phải bán gạo không phải hoàn toàn do lỗi của Công ty ĐP mà là lỗi của 2 Công ty.
[5] Khi Công ty ĐP có yêu cầu giao 250 tấn gạo từ ngày 15/6/2020 đến ngày 30/6/2020, Công ty ĐP đã thông báo trước 23 ngày để Công ty MK chuẩn bị. Tuy nhiên, Công ty MK không tiến hành việc giao hàng mà có văn bản đề nghị xin chậm giao hàng và điều chỉnh giá, hỗ trợ vay vốn. Công ty ĐP và Công ty MK đã có thỏa thuận lại điều chỉnh về giá và cả 2 bên đã thống nhất việc Công ty ĐP hỗ trợ thêm cho Công ty MK 150 đồng/kg và yêu cầu giao hàng đúng thời hạn. Các thỏa thuận của 2 bên không được lập biên bản và không được sự thống nhất của cả 2 bên mà chỉ là văn bản trao đổi ý kiến nên không có hiệu lực bắt buộc. Tuy nhiên, tại biên bản làm việc ngày 23/7/2020 do Công ty MK cung cấp (trích từ sổ tay của ông Vũ Duy X - Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty) thể hiện Công ty ĐP đã đồng ý chuyển trước 30% giá trị hợp đồng được khấu trừ vào giá của lô hàng cuối cùng nhưng sau đó, Công ty ĐP đã không thực hiện cam kết này. Việc Công ty MK không giao 250 tấn gạo đúng thời hạn cho Công ty ĐP không phải lỗi hoàn toàn của Công ty MK mà có lỗi của Công ty ĐP.
[6] Về việc chấm dứt hợp đồng, tại Công văn số 165/CV ngày 25/8/2020, Công ty MK đã nêu ý kiến thỏa thuận lại về giá là 8.000 đồng/kg và yêu cầu Công ty ĐP phải chuyển tiền trước giao hàng sau. Trường hợp, Công ty ĐP không chấp thuận các nội dung trên hai bên sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty ĐP không chấp thuận các nội dung trên và yêu cầu Công ty MK thực hiện việc giao hàng. Theo Điều 2 của Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020, hai bên thỏa thuận về thời gian giao nhận là từ ngày ký hợp đồng đến hết ngày 31/12/2020 nhưng đến ngày 29/10/2020 (theo dấu bưu điện) Công ty ĐP đã có đơn khởi kiện Công ty MK ra Tòa; như vậy, chưa hết thời hạn giao hàng như thỏa thuận, Công ty ĐP đã khởi kiện Công ty MK là vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng. Như vậy, việc Công ty MK chưa thực hiện việc giao hàng cho Công ty Phương Đông theo thời hạn giao hàng như thỏa thuận là lỗi của cả 2 Công ty, trong đó Công ty MK có lỗi lớn hơn chiếm 55%, Công ty ĐP có lỗi ít hơn chiếm 45%.
[7] Theo thỏa thuận tại khoản 4.2 Điều 4 của Hợp đồng, các bên thỏa thuận: “Nếu bên A không giao đủ hàng sẽ phải bồi thường cho bên B 20% giá trị hàng không giao đủ”. Tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày khoản bồi thường 20% gồm tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại xuất phát từ việc Công ty ĐP ký Hợp đồng với Tổng Công ty BHN, tuy nhiên, Công ty ĐP không cung cấp được Hợp đồng này để Hội đồng xét xử xem xét mối quan hệ giữa việc bồi thường thiệt hại giữa 2 hợp đồng này. Mặt khác, Điều 300 Luật Thương mại quy định về phạt vi phạm: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”, theo đó, mặc dù thỏa thuận giữa Công ty MK và Công ty ĐP là bồi thường thiệt hại nhưng thực tế, nội dung thỏa thuận về việc không thực hiện hợp đồng là sẽ phải chịu chế tài phạt vi phạm hợp đồng, Công ty MK đã không thực hiện nghĩa vụ của mình và không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm, ngoài ra Hợp đồng đã có thỏa thuận về trách nhiệm của bên A nếu không giao đủ hàng, do đó phải chịu chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Theo Điều 301 Luật Thương mại quy định về mức phạt vi phạm thì: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. Theo đó, việc thỏa thuận trong hợp đồng bên có lỗi phải chịu mức phạt 20% giá trị hàng hóa không giao đủ là vượt quá quy định của pháp luật. Theo phân tích trên 2 Công ty đều có lỗi, tuy nhiên, Công ty MK có lỗi nhiều hơn so với Công ty ĐP nên Công ty MK phải chịu thiệt hại là 55% của mức phạt 8% giá trị hàng hóa không giao đủ. Theo đó, số tiền phạt Công ty MK phải chịu là 55% x 8% x 10.101.000.000 đồng = 444.444.000 đồng.
[8] Mặt khác, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn chỉ có 01 đơn hàng yêu cầu bị đơn giao 250 tấn gạo từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/6/2021 nhưng bị đơn không giao hàng nên Công ty ĐP phải lấy gạo của Công ty khác với giá cao hơn. Theo hóa đơn năm 2020, số tiền Công ty ĐP đã phải bỏ ra để lấy gạo là 200 tấn x 10.006 đồng/kg = 2.001.200.000 đồng; theo hóa đơn năm 2021, số tiền Công ty ĐP đã phải bỏ ra để lấy gạo là 50 tấn x 11.660 đồng/kg = 583.000.000 đồng. Trong khi đó, số tiền Công ty ĐP phải trả cho Công ty MK theo thỏa thuận ban đầu là 250 tấn x 7.790 đồng/kg = 1.947.500.000 đồng. Tuy nhiên, do các bên chỉ thỏa thuận thời gian giao hàng thực hiện hợp đồng đến hết năm 2020 nên số gạo đã lấy và thanh toán không được tính, số tiền thiệt hại thực tế mà Công ty ĐP phải chịu là 200 tấn x (10.006 đồng/kg – 7.790 đồng/kg) = 443.200.000 đồng nên Công ty MK phải bồi thường cho Công ty ĐP như Viện kiểm sát xác định cũng có căn cứ và tương đương với mức phạt hợp đồng như Tòa án đã xác định.
[9] Như vậy, việc phạt hợp đồng có lợi cho nguyên đơn hơn nên Hội đồng xét xử xác định, do cả 02 công ty đều có lỗi trong việc không thực hiện được Hợp đồng, trong đó Công ty MK có lỗi nhiều hơn Công ty ĐP nên Công ty MK phải bồi thường cho Công ty ĐP số tiền 444.444.000 đồng. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị đơn cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới là căn cứ để sửa Bản án sơ thẩm; do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án sơ thẩm.
- Về án phí kinh doanh thương mại: Căn cứ Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[10] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận, vì vậy Công ty MK phải chịu số tiền 21.777.760 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Công ty ĐP phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, số tiền không được chấp nhận là 2.020.200.000 - 444.444.000đồng = 1.575.756.000 đồng nên số tiền án phí phải chịu là 59.272.680 đồng.
[11] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Kháng cáo của bị đơn được chấp nhận nên bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Căn cứ Điều 24, Điều 34, Điều 35, Điều 300, Điều 301 Luật Thương mại năm 2005;
Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn là Công ty Cổ phần Thương mại MK, sửa Bản án sơ thẩm; cụ thể:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP:
Buộc bị đơn là Công ty Cổ phần Thương mại MK phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP do không giao đủ hàng hóa theo Hợp đồng kinh tế số 01/2020/HĐKT/MK-DVĐP ngày 05/02/2020 với số tiền 444.444.000 (Bốn trăm bốn mươi bốn triệu, bốn trăm bốn mươi bốn nghìn) đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về án phí:
- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
Công ty Cổ phần Thương mại MK phải chịu số tiền 21.777.760 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ ĐP phải chịu số tiền 59.272.680 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 36.202.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0010113 ngày 10/12/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HB, thành phố Hải Phòng. Công ty ĐP còn phải nộp số tiền 23.070.680 đồng - Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần Thương mại MK không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, trả lại Công ty số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005108 ngày 25/10/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HB, thành phố Hải Phòng nhưng được tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 01/2022/KDTM-PT
Số hiệu: | 01/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 21/01/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về