08/03/2023 16:13

Phạt vi phạm hợp đồng giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại khác nhau thế nào?

Phạt vi phạm hợp đồng giữa Bộ luật dân sự và Luật thương mại khác nhau thế nào?

Tôi phân vân không biết khi áp dụng chế tài phạt vi phạm thì áp dụng theo Bộ luật dân sự hay Luật thương mại? “Ngọc Hà-Quảng Bình”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Phạt vi phạm là gì?

Theo Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”

Có thể hiểu, không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong dân sự, các bên có thể thỏa thuận chỉ bị phạt vi phạm. Tuy nhiên, đối với hợp đồng thương mại có quy định khác về mức phạt vi phạm.

2. Điểm khác biệt về phạt vi phạm trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại

Điểm khác biệt cơ bản về chế tài phạt vi phạm trọng Bộ luật dân sựLuật Thương mại là về mức phạt vi phạm.

Theo đó, quy định tại khoản 2, 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015

+ Mức phat vi phạm do các bên thoả thuận trừ trường hợp liên quan có quy định khác.

+ Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Theo Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 thì:

+ Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định khác.

Như vậy, Bộ Luật Dân sự 2015 đã nêu rõ mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong khi, Luật thương mại quy định mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại do các bên tự thỏa thuận tuy nhiên sẽ không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Ngoài ra, trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

Đồng thời, theo Bộ Luật Dân sự thì trong trường hợp hợp đồng chỉ quy định về phạt vi phạm mà không có thỏa thuận vừa phải bồi thường thiệt hại vừa phải chịu phạt vi phạm thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Ngược lại, theo Luật Thương mại thì chỉ cần có hành vi vi phạm xảy ra, bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm đồng thời với bồi thường thiệt hại dù cho trong hợp đồng không có thoả thuận về việc phải áp dụng cùng lúc với bồi thường thiệt hại, hoặc không có điều khoản bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005

Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Như vậy, các hợp đồng giao kết vì mục đích tiêu dùng sinh hoạt của hai cá nhân, tổ chức như mua bán nhà, mua bán xe,...thì áp dụng quy định về phạt vi phạm tại Bộ luật Dân sự 2015.

Ngược lại, hợp đồng giao kết mà có một hoặc các bên chủ thể là thương nhân với mục đích mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, kinh doanh sinh lợi… thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005.

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
26985

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn