Trong các vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thì yêu cầu về tính lãi suất chậm thanh toán là một yêu cầu phổ biến của các bên khi khởi kiện. Do đó, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về tính lãi suất chậm thanh toán là cần thiết.
Thông thường các bên khi giao kết hợp đồng chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường hợp đồng ít khi thỏa thuận tiền lãi do chậm thanh toán. Khi xảy ra tranh chấp, nếu có yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán sẽ được áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005 để làm căn cứ tính lãi.
Cụ thể: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
Về điều kiện để áp dụng yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán: theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại thì chỉ cần có vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả, mà không phụ thuộc vào hợp đồng có quy định hay không.
Như vậy, sẽ xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất là các bên có thỏa thuận mức lãi trên số tiền chậm thanh toán thì mức lãi này có bị giới hạn trần hay không. Điều 306 Luật Thương mại cho các bên tự thỏa thuận mức lãi nhưng không nói rõ mức lãi này tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, cần hiểu mức lãi này phải được giới hạn bởi Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Theo đó, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này, tức không quá 20%/ năm của khoản tiền chậm thanh toán.
Trường hợp thứ hai, các bên không thỏa thuận về tiền lãi do chậm thanh toán thì sẽ được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán được hướng dẫn chi tiết tại Điều 11 Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả. Điều này sẽ phát sinh vấn đề việc lựa chọn ít nhất 3 ngân hàng khác nhau sẽ cho ra mức lãi suất khác nhau, có khi chênh lệch 1-2%, gây bất bình đẳng giữa các bên. Do đó, đề xuất nếu các bên không thỏa thuận về tiền lãi do chậm thanh toán thì sẽ được điều chỉnh theo khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự, cụ thể không quá 10% của khoản tiền chậm thanh toán.
Từ những phân tích nêu trên đề xuất sửa đổi Điều 306 Luật Thương mại theo hướng: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó. Mức lãi suất chậm thanh toán theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015."
Theo https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ba%CC%80n-ve%CC%80-la%CC%83i-sua%CC%81t-cha%CC%A3m-thanh-toa%CC%81n-trong-ho%CC%A3p-do%CC%80ng-mua-ba%CC%81n-ha%CC%80ng-ho%CC%81a5750.html