05 trường hợp thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách từ ngày 2021

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/08/2020 16:33 PM

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 bổ sung thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định có 05 trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh như sau:

(1) Tự nguyện rút vốn khỏi công ty:

- Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.

- Thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn và chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

(2) Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Hiện hành quy định: đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự), trong đó:

Đồi với trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng.

(3) Bị khai trừ khỏi công ty theo một trong các trường hợp sau:

- Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;

- Vi phạm quy định về hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh, cụ thể:

+ Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

+ Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

+ Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

- Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và thành viên khác;

- Không thực hiện đúng nghĩa vụ của thành viên hợp danh.

(4) Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật (Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định điều này).

(5) Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

**Lưu ý:

- Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại mục (1), (3), (4) và mục (5) thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

(Hiện hành quy định chỉ người bị chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại mục (1) và mục (3) mới phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên).

- Sau khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, nếu tên của thành viên đó đã được sử dụng thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì người đó hoặc người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên mình.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 180, Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2014.

Thùy Liên  

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,774

Bài viết về

Luật Doanh nghiệp 2020

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn