Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ thảo luận và thông qua những nội dung nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/04/2024 16:45 PM

Cho tôi hỏi, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ thảo luận và thông qua những nội dung nào? – Mai Loan (Yên Bái)

 

Những nội dung nào sẽ được thảo luận và thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông?

Những nội dung nào sẽ được thảo luận và thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông? (Hình từ internet)

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ thảo luận và thông qua những nội dung nào?

Trong công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông sẽ bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết và là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

Theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính các công ty cổ phần sẽ phải tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên để thảo luận và thông qua những nội dung quan trọng sau:

- Kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

- Báo cáo tài chính hằng năm;

- Báo cáo của Hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị;

- Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

- Báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên;

- Mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại;

- Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.

(Khoản 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020)

*Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể tổ chức cuộc họp bất thường để thảo luận giải quyết những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp.

Quy trình triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông

Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường.

Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện các công việc sau đây:

- Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;

- Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;

- Lập chương trình và nội dung cuộc họp;

- Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;

- Dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

- Xác định thời gian và địa điểm họp;

- Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định của Luật này;

- Công việc khác phục vụ cuộc họp.

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông sẽ được thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 141, 142, 143, 144, 145 Luật Doanh nghiệp 2020.

(1) Danh sách cổ đông có quyền dự họp

- Danh sách cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty và được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn.

- Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải có đầy đủ thông tin liên lạc, thông tin về cổ phần và có quyền yêu cầu thay đổi nếu phát hiện ra sai sót.

(2) Chương trình và nội dung cuộc họp

- Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải chuẩn bị chương trình, nội dung cuộc họp.

- Sau khi nhận được thông tin về chương trình cuộc họp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền kiến nghị bổ sung thêm các nội dung khác vào cuộc họp và gửi đến chậm nhất 03 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp. Nếu người triệu tập từ chối kiến nghị phải nêu rõ lý do chậm nhất 02 ngày trước ngày khai mạc nếu thuộc các trường hợp sau: kiến nghị không gửi đúng thời hạn; không thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông; hoặc trái điều lệ công ty.

(3) Mời họp Đại hội đồng cổ đông

- Người triệu tập cuộc họp phải gửi thông báo mời cho những cổ đông có tên trong danh sách cổ đông chậm nhất 21 ngày trước khi khai mạc cuộc họp.

- Thông báo mời có thể được gửi qua nhiều hình thức nhưng phải đảm đảo đến được với tất cả các cổ đông có quyền tham dự.

- Đi kèm với thông báo mời phải có: Nội dung chương trình và phiếu biểu quyết.

(4) Điều kiện để tiến hành cuộc họp

- Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

- Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

- Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định thì thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

- Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp.

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 382

Bài viết về

Luật Doanh nghiệp 2020

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn