Ngày 20/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 232-QĐ/TW thi hành Điều lệ Đảng.
Theo đó, thời hạn, thẩm quyền quyết định kết nạp đảng viên, xét công nhận đảng viên chính thức được hướng dẫn như sau:
- Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị kết nạp; trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị công nhận chính thức, thì cấp ủy có thẩm quyền phải xem xét, quyết định; trường hợp đặc biệt có thể gia hạn tối đa 30 ngày làm việc. Việc đồng ý hoặc không đồng ý, phải thông báo kết quả cho chi bộ nơi đề nghị kết nạp đảng viên hoặc công nhận đảng viên chính thức biết. Nếu để quá thời hạn trên mà không có lý do chính đáng thì phải kiểm điểm trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên.
- Thẩm quyền quyết định kết nạp đảng viên và xét công nhận đảng viên chính thức.
+ Đảng ủy cơ sở được ủy quyền kết nạp đảng viên: Do tập thể đảng ủy cơ sở xem xét, quyết định.
+ Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, đảng ủy được giao quyền cấp trên cơ sở: Do ban thường vụ xem xét, quyết định.
+ Tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương: Do tập thể thường trực cấp ủy và các đồng chí ủy viên ban thường vụ là trưởng các ban đảng cùng cấp xem xét, quyết định.
+ Thẩm quyền quyết định kết nạp đảng viên và xét công nhận đảng viên chính thức trong Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an Trung ương: Bộ Chính trị có quy định riêng.
Quy định 232-QĐ/TW ngày 20/01/2025 được ban hành trong hệ thống Đảng tới các chi bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các tổ chức đảng và đảng viên có trách nhiệm thi hành.
Các quy định trước đây trái với nội dung Quy định 232-QĐ/TW ngày 20/01/2025 đều bãi bỏ.
Chính phủ ban hành Nghị định 16/2025/NĐ-CP ngày 04/02/2025 sửa đổi Nghị định 72/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Theo đó, mức phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau:
- Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;
- Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;
- Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;
- Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;
- Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;
- Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;
- Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;
- Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng.
Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/2025.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/01/2025 quy định Khung năng lực số cho người học.
Theo đó, cấu trúc Khung năng lực số cho người học ban hành kèm theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT như sau:
- Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc.
- Khái quát các miền năng lực
(I) Khai thác dữ liệu và thông tin: Tập trung vào khả năng tìm kiếm, lọc, đánh giá và quản lý dữ liệu, thông tin, cũng như nội dung số; bao gồm các kỹ năng xác định nguồn thông tin đáng tin cậy, tổ chức dữ liệu một cách hiệu quả và sử dụng chúng để hỗ trợ ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề trong môi trường số.
(II) Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số: Nhấn mạnh khả năng sử dụng công nghệ số để tương tác, chia sẻ thông tin, làm việc nhóm và tham gia các cộng đồng trực tuyến; bao gồm các kỹ năng như giao tiếp hiệu quả qua các kênh số, tôn trọng đa dạng văn hóa, quản lý danh tính số và thúc đẩy hợp tác trong môi trường kỹ thuật số.
(III) Sáng tạo nội dung số: Tập trung vào khả năng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ nội dung số; bao gồm các kỹ năng như phát triển nội dung mới, áp dụng bản quyền và giấy phép, lập trình cơ bản và tích hợp kiến thức từ nhiều nguồn để tạo ra sản phẩm số phù hợp và sáng tạo.
(IV) An toàn: Tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu, thiết bị, sức khỏe và môi trường số; bao gồm các kỹ năng như bảo mật thông tin cá nhân, quản lý rủi ro mạng, sử dụng công nghệ số an toàn, bảo đảm sức khỏe tâm lý và thể chất khi tương tác trong môi trường số và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường kỹ thuật số.
(V) Giải quyết vấn đề: Tập trung vào khả năng tư duy phản biện và sáng tạo để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề trong môi trường số; bao gồm các kỹ năng như khắc phục sự cố kỹ thuật, học hỏi công nghệ mới, điều chỉnh nhu cầu số để đạt mục tiêu và sử dụng công nghệ để đổi mới hoặc giải quyết các thách thức thực tiễn.
(VI) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng như nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của AI và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/3/2025.
Chính phủ ban hành Nghị định 17/2025/NĐ-CP ngày 06/02/2025 sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023.
Theo đó, Nghị định 17/2025/NĐ-CP đã bổ sung Điều 44b vào Nghị định 115/2024/NĐ-CP về quy trình, thủ tục quyết định áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt như sau:
- Căn cứ yêu cầu thực hiện dự án, chỉ đạo tại Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước (đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP )) hoặc chỉ đạo tại Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, văn bản thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ (đối với dự án quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP )), người có thẩm quyền giao cơ quan, đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Hồ sơ gồm các tài liệu sau đây:
+ Tờ trình đề nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, gồm các nội dung sau: Thông tin cơ bản của dự án; giải trình về sự cần thiết và lý do phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; thuyết minh phương án lựa chọn nhà đầu tư gồm các nội dung chủ yếu về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện ký kết hợp đồng và các nội dung liên quan khác để đáp ứng các điều kiện đặc thù của dự án; đề xuất và kiến nghị;
+ Dự thảo quyết định áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, gồm các nội dung theo quy định tại khoản 5 Điều 44b Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP );
+ Các văn bản, tài liệu pháp lý có liên quan.
- Cơ quan có thẩm quyền có văn bản lấy ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan về sự cần thiết và lý do phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, trong đó gồm:
+ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với dự án quy định tại khoản 2 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP );
+ Các bộ, cơ quan có liên quan đối với dự án quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 44a Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP ) (nếu cần).
- Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về sự cần thiết và lý do phải áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt gửi cơ quan có thẩm quyền.
- Người có thẩm quyền giao một cơ quan, đơn vị độc lập với cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 44b Nghị định 115/2024/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP ) tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung sau:
+ Đánh giá về sự cần thiết, lý do áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 34a Luật Đấu thầu 2023 (bổ sung 2024);
+ Ý kiến về phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt và dự thảo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp kiến nghị chấp thuận;
+ Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
- Căn cứ hồ sơ đề nghị, báo cáo thẩm định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Quyết định của cơ quan có thẩm quyền gồm các nội dung sau:
+ Chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt;
+ Phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, gồm các nội dung sau: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 12 Nghị định 115/2024/NĐ-CP ; điều kiện ký kết, thực hiện hợp đồng; các nội dung liên quan khác để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện đặc thù của dự án, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;
+ Trách nhiệm của bên mời thầu và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
+ Các yêu cầu khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án (nếu có).
- Bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo phương án được phê duyệt. Căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư và hợp đồng dự án được ký kết, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo quy định tại Chương VI Nghị định 115/2024/NĐ-CP .
Xem thêm tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/02/2025.