Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 05/2024/UBTVQH15 Chi phí tố tụng 2024, trong đó có xác định chi phí cho Hội thẩm.
Theo đó, chi phí cho Hội thẩm bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
- Phụ cấp xét xử;
- Chi phí đi lại;
- Chi phí thuê phòng nghỉ;
- Phụ cấp lưu trú;
- Chi phí khác.
**Phụ cấp xét xử
- Phụ cấp xét xử là khoản tiền được chi trả cho Hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử.
- Phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, được Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử xác nhận.
- Mức phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm được quy định tại Danh mục một số chi phí tố tụng ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
**Trách nhiệm chi trả chi phí cho Hội thẩm: Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử có trách nhiệm chi trả chi phí cho Hội thẩm.
Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/2025
Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 10/01/2025.
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 (khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025) đơn cử:
- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của những năm trước 1995 là 5,63
- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 2005 là 3,17
- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 2015 là 1,31
- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 2025 là 1,00
Lưu ý: Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2025.
Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ngày 21/01/2025, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 88/QĐ-BTTTT năm 2025 về Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trong đó, quy tắc ứng xử chung là những quy tắc áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng:
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Ứng xử lành mạnh, tích cực, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em trên môi trường mạng.
- Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ mà chưa được sự đồng ý của trẻ, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
- Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em.
- Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức cộng đồng, xã hội thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
- Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em, rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, nội dung độc hại đối với trẻ em cần khẩn trương, kịp thời phản ánh, tố giác tới các địa chỉ sau:
+ Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111);
+ Cơ quan công an nơi gần nhất;
+ Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) (https://vn-cop.vn/bao-cao-xam-pham; email: [email protected]).
Xem thêm Quyết định 88/QĐ-BTTTT có hiệu lực từ ngày ký.
Quyết định 55/QĐ-BXD năm 2025 hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành ngày 20/01/2025.
Theo đó, nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Quyết định này và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
(1) Về diện tích nhà ở
- Đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m2.
- Đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2.
(2) Về kết cấu nhà ở
Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền - móng, khung - tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kết cấu không bền chắc là kết cấu không thuộc các trường hợp sau:
- Nền - móng nhà được làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
- Khung - tường bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Trong đó, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường được xây bằng gạch, đá, hoặc làm từ gỗ bền chắc, kim loại.
- Mái gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Trong đó, hệ thống đỡ mái được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái được làm bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
(3) Về thời gian sử dụng
Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.
(4) Đối với các tiêu chí khác (nếu có) như: Không gian chức năng (bếp, vệ sinh), hệ thống kỹ thuật trong nhà (cấp điện, cấp nước), an toàn cháy nổ... căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở quy định tại khoản (2) có thể làm bằng vật liệu địa phương có chất lượng tương đương do cơ quan chuyên môn của địa phương xác định chủng loại cụ thể và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng phê duyệt.
Quyết định 55/QĐ-BXD có hiệu lực từ ngày ký.