Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Theo đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới như: thay đổi phân hạng của GPLX, tăng độ tuổi tối đa của người lái xe, quy định về kiểm định khí thải xe máy,...
Trong đó, đáng chú ý là quy định về điểm của GPLX, cụ thể: Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.
Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024. Quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Một số nội dung quy định mới của Luật Đường bộ 2024 như: Bổ sung mới loại “đường thôn” thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý; Quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho các loại xe điện; Thanh toán điện tử giao thông đường bộ;...
Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024 đã bổ sung quy định về đấu giá trực tuyến. Cụ thể:
- Việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến.
- Việc xây dựng, quản lý và vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến được thực hiện theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử và pháp luật về đấu giá tài sản.
Kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp Cổng Đấu giá tài sản quốc gia được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác.
- Chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí thuê trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024.
- Chính phủ quy định chi tiết yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và yêu cầu, điều kiện, việc thẩm định, phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến.
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024.
Theo đó, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
- Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
- Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Đáng chú ý, nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
- Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp; khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân được tính là nhiệm kỳ đầu.
Ngày 29/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Theo đó, khoản 4 ĐIều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 đã bổ sung dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ trừ trường hợp được coi là vũ khí quân dụng…
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới như: Bổ sung thêm chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ; Bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam; Bổ sung quy định Giấy bảo vệ đặc biệt;...
Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thường trú trong phạm vi bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Điều 26 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 gồm về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh và chính sách an sinh xã hội.
Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15).
Theo đó, Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 10.
Ngày 29/11/2024, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công 2024 gồm 7 chương, 103 Điều (bổ sung 01 chương, tăng thêm 02 Điều và sửa đổi 65 Điều so với Luật hiện hành.
Theo đó, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công theo quy định mới bao gồm:
- Quốc phòng;
- An ninh và trật tự, an toàn xã hội;
- Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp;
- Khoa học, công nghệ;
- Y tế, dân số và gia đình;
- Văn hóa, thông tin;
- Phát thanh, truyền hình, thông tấn;
- Thể dục, thể thao;
- Bảo vệ môi trường;
- Các hoạt động kinh tế;
- Hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội;
- Bảo đảm xã hội;
- Ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.