Pháp nhân là gì? Điều kiện để được công nhận là pháp nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/02/2022 17:05 PM

Bên cạnh cá nhân thì pháp nhân cũng có thể là một chủ thể của giao dịch dân sự. Vậy pháp nhân là gì, một tổ chức để được công nhận là pháp nhân cần đáp ứng những điều kiện gì?

Pháp nhân là gì? Điều kiện để được công nhận là pháp nhân

Pháp nhân là gì? Điều kiện để được công nhận là pháp nhân (Ảnh minh họa)

1. Pháp nhân là gì? Điều kiện để được công nhận là pháp nhân

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không có định nghĩa về pháp nhân nhưng có thể hiểu pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân bao gồm:

- Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan;

- Có cơ cấu tổ chức, cụ thể:

+ Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

+ Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

(Điều 74, 83 Bộ luật Dân sự 2015)

2. Phân loại pháp nhân

Pháp nhân bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại:

2.1. Pháp nhân thương mại

- Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

- Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

- Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.2. Pháp nhân phi thương mại

- Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

- Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

- Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 75, 76 Bộ luật Dân sự 2015)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,475

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn