Mua tài sản ở tiệm cầm đồ cần lưu ý gì?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/02/2022 11:02 AM

Cầm cố tài sản luôn gắn liền với nhiều vấn đề pháp lý như quyền sở hữu, quyền bán tài sản cầm cố,... Vậy khi nào được bán tài sản cầm cố? Khi mua tài sản cầm cố tại tiệm cầm đồ cần lưu ý những gì để không vướng phải những rủi ro pháp lý?

Mua tài sản ở tiệm cầm đồ cần lưu ý gì?

Mua tài sản ở tiệm cầm đồ cần lưu ý gì? (Ảnh minh họa)

1. Cầm cố tài sản là gì?

Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Vì vậy khi một bên đem tài sản thuộc quyền sở hữu của mình đi cầm cố thì giao dịch cầm cố mới có hiệu lực. Do đó, đối với những loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như xe, quyền sử dụng đất,... cần phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.

2. Tiệm cầm đồ có được bán tài sản cầm cố không?

Theo Điều 313 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của tiệm cầm đồ như sau:

- Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

- Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, căn cứ tại khoản 2 Điều 314 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những quyền của tiệm cầm đồ là xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trong đó, tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, các trường hợp được xử lý tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật như sau:

- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Việc xử lý tài sản cầm cố theo Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ do các bên thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố sau đây:

- Bán đấu giá tài sản;

- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

- Phương thức khác.

Như vậy, tiệm cầm đồ vẫn có quyền xử lý tài sản cầm cố trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ cầm cố khi đến hạn hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ,...

3. Lưu ý khi mua tài sản tại tiệm cầm đồ

Như đã phân tích ở trên, tiệm cầm đồ có quyền bán tài sản cầm cố nhưng quyền này bị giới hạn. Do đó, khi mua tài sản ở tiệm cầm đồ cần lưu ý:

- Tài sản có thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố không?

- Cửa hàng cầm đồ có được quyền xử lý tài sản cầm cố không? Nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản cầm cố đã đến hạn thực hiện chưa?

- Tiệm cầm đồ và bên cầm cố có thỏa thuận về biện pháp xử lý tài sản cầm cố không?

Để giải quyết những vấn đề trên, người mua tài sản tại tiệm cầm đồ có thể yêu cầu xem qua các giấy tờ sau:

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của tài sản cầm cố;

- Hợp đồng cầm cố;

- Giấy tờ thể hiện cửa hàng cầm đồ được quyền xử lý tài sản cầm cố;

- Giấy tờ thể hiện nội dung cửa hàng cầm đồ được thay mặt bên cầm cố bán tài sản cầm cố.

Hạnh Nguyên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,074

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn