Dẫn độ là gì? Trường hợp nào Việt Nam từ chối dẫn độ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
13/05/2022 10:18 AM

Dẫn độ là cụm từ thường được nhắc tới khi nói đến sự hỗ trợ của các quốc gia khác nhau trong việc truy bắt tội phạm ở nước ngoài. Vậy dẫn độ là gì? Đối tượng nào có thể bị dẫn độ và khi nào Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài?

Dẫn độ là gì? Trường hợp nào Việt Nam từ chối dẫn độ

Dẫn độ là gì? Trường hợp nào Việt Nam từ chối dẫn độ (Ảnh minh họa)

1. Dẫn độ là gì?

Theo khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007, dẫn độ được quy định là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu TNHS hoặc thi hành án đối với người đó.

Đối với tội phạm là người Việt Nam hoặc tội phạm nước ngoài đang lẩn trốn tại Việt Nam, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam có thể:

- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu TNHS hoặc thi hành án;

- Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu TNHS hoặc thi hành án.

2. Đối tượng bị dẫn độ

Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định đối tượng có thể bị dẫn độ như sau:

- Người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định rơi vào 01 trong 02 trường hợp sau:

+ Phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình;

+ Đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

- Hành vi phạm tội của người có thể bị dẫn độ không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

- Trường hợp hành vi phạm tội của người có thể bị dẫn độ xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

3. Các trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

- Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu TNHS hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

- Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu TNHS đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;

- Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

- Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu TNHS theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các điều kiện để trở thành đối tượng có thể bị dẫn độ nêu trên.

Ngoài 05 trường hợp từ chối dẫn độ này, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;

- Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu TNHS ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam khi từ chối dẫn độ phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước yêu cầu dẫn độ.

(Căn cứ Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007)

4. Trường hợp không truy cứu TNHS, dẫn độ cho nước thứ ba

Theo Điều 34 Luật Tương trợ tư pháp 2007, người bị dẫn độ về Việt Nam không bị truy cứu TNHS hoặc dẫn độ cho nước thứ ba về hành vi mà người đó đã thực hiện ở nước ngoài trước khi bị dẫn độ về Việt Nam nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam và không được nêu trong yêu cầu dẫn độ của Việt Nam hoặc của nước thứ ba.

Trường hợp Việt Nam là nước được yêu cầu dẫn độ thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện khi nước yêu cầu dẫn độ cam kết không truy cứu TNHS người bị dẫn độ về hành vi phạm tội khác ngoài hành vi phạm tội đã được nêu trong yêu cầu dẫn độ, không dẫn độ người đó cho nước thứ ba, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Việt Nam.

Xem hồ sơ, thủ tục dẫn độ từ Điều 36 đến Điều 45 Luật Tương trợ tư pháp 2007.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,340

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn