Địa điểm lấy lời khai người làm chứng trong vụ án hình sự (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Để triệu tập người làm chứng đến lấy lời khai, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập người làm chứng để lấy lời khai. Việc triệu tập người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.
(Khoản 1 Điều 66; khoản 1, 4 Điều 185 và khoản 1 Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Những người sau đây không được làm chứng: - Người bào chữa của người bị buộc tội; - Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn. (Khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) |
(1) Biên bản ghi lời khai của người làm chứng được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể:
- Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Điều 133. Biên bản
1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.
Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
2. Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.
- Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.
- Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Việc lập biên bản trong giai đoạn khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
(2) Việc lấy lời khai của người làm chứng có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
(Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)