Một số thay đổi về thủ tục phục hồi, thủ tục phá sản theo Dự thảo Luật Phá sản mới nhất (Hình từ Internet)
Luật Phá sản hiện hành quy định phục hồi là một thủ tục trong thủ tục phá sản. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tách riêng thủ tục phục hồi và khuyến khích, ưu tiên áp dụng thủ tục phục hồi trước phá sản nhằm phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể như sau:
- Bổ sung quy định về người có quyền nộp đơn gồm: (1) phía doanh nghiệp, hợp tác xã (người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, cổ đông hoặc nhóm cổ đông…); (2) chủ nợ.
- Bổ sung quy định về thương lượng trước khi mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, hợp tác xã. Quy định về đơn, thụ lý đơn, mở thủ tục phục hồi tương tự trong thủ tục phá sản.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng: người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm, cổ đông, người sở hữu cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp có quyền đề xuất phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
- Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hội nghị chủ nợ. Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ là có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 65% tổng số nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi được các chủ nợ đại diện cho từ 65% trở lên tổng số nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã biểu quyết tán thành.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện phương án phục hồi kinh doanh theo hướng: Ban đại diện chủ nợ giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Bổ sung quy định về các trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi; đình chỉ thủ tục phục hồi và hậu quả pháp lý.
- Bổ sung chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp: doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đang tiến hành thủ tục giải thể mà mất khả năng thanh toán; sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán…
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về đơn, thụ lý đơn, mở thủ tục phá sản. Bổ sung quy định xử lý trường hợp chủ nợ gửi giấy đòi nợ sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ, điều kiện thông qua Hội nghị chủ nợ.
- Về thủ tục phục hồi rút gọn: Quy định điều kiện áp dụng; thời hạn thực hiện các thủ tục bằng ½ thời hạn trong phục hồi thông thường; mức nộp lệ phí bằng ½ mức lệ phí giải quyết thủ tục phục hồi thông thường; không thành lập Ban đại diện chủ nợ, không chỉ định Quản tài viên; chủ nợ cùng với Tòa án giám sát việc xây dựng, thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Quy định việc chuyển đổi thủ tục phục hồi rút gọn sang giải quyết theo thủ tục thông thường khi vụ việc không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.
- Về thủ tục phá sản rút gọn: Quy định điều kiện áp dụng, các trường hợp Tòa án tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn; điều kiện triệu tập hợp lệ Hội nghị chủ nợ khi có số chủ nợ tham gia đại diện cho 51% tổng số nợ không có bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã; điều kiện thông Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ khi có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% số nợ không có bảo đảm biểu quyết tán thành.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn; quy định việc hoàn trả khoản vay đặc biệt cho tổ chức bảo đảm tiền gửi, thứ tự phân chia tài sản đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Trên đây là một số thay đổi về thủ tục phục hồi, thủ tục phá sản theo Dự thảo Luật Phá sản mới nhất.
Xem thêm:
Lê Quang Nhật Minh