Nghị định 168 được ban hành trên những cơ sở thực tiễn nào? Mục đích xây dựng Nghị định 168 theo Bộ Công an? (Hình từ internet)
Trước khi được ban hành, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã được Bộ Công an dự thảo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Trong đó, tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ của Bộ Công an về dự thảo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe. Bộ Công an đã nêu cơ sở thực tiễn của sự cần thiết ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cụ thể:
- Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới,có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình phương tiện giao thông đường bộ mới được đưa vào sử dụng nên cần phải có quy định bao quát, đầy đủ hơn.
- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ có liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông. Hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
Mỗi năm cơ quan chức năng tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn trên 500 nghìn trường hợp vi phạm. Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân; việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều Giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nhân lực nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Để triển khai việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo các văn bản được ban hành có hiệu lực thi hành cùng thời điểm của Luật, ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe là hết sức cần thiết.
Cũng tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ của Bộ Công an về dự thảo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, Bộ Công an đã nêu mục đích xây dựng Nghị định 168 như sau:
- Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; triển khai thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;
Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hiện nay; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm hành chính được thực thi hiệu quả; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Theo Điều 1 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được quy định như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
- Mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.
Lưu ý: các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.