Hướng dẫn khai thuế với hóa đơn, chứng từ mua vào sai sót (Hình từ Internet)
Ngày 21/01/2025, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 332/TCT-KK về việc khai thuế đối với hóa đơn, chứng từ mua vào sai, sót.
Công văn 332/TCT-KK |
Theo đó, Tổng cục Thuế nhận được Công văn 6198/CTDAN-TTHT ngày 9/7/2024 của Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, Công văn 22464/CTBRV-TTKTI ngày 20/11/2023 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công văn 4500/CTBDI- TTKT2 ngày 22/11/2024 và Công văn 3542/CTBDI-TTKT2 ngày 27/9/2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Định về việc khai thuế đối với hóa đơn, chứng từ sai, sót. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Căn cứ điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào;
- Căn cứ Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế phát hiện hóa đơn, chứng từ mua vào kê khai, khấu trừ bị sai, sót sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố Quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thì thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 và Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019.
Đề nghị Cục Thuế căn cứ các quy định nêu trên và tình hình thực tế để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện theo quy định.
Xem thêm Công văn 332/TCT-KK ban hành ngày 21/01/2025.
Theo Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì hóa đơn quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP gồm các loại sau:
- Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
+ Hoạt động vận tải quốc tế;
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
- Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
+ Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
++ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
++Hoạt động vận tải quốc tế;
++Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
++Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
+ Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
- Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:
+ Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);
+ Tài sản kết cấu hạ tầng;
+ Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;
+ Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
+ Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
+ Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.
- Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Các loại hóa đơn khác, gồm:
+ Tem, vé, thẻ có hình thức và nội dung quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP;
+ Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này có hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.
- Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu hiển thị các loại hóa đơn để các đối tượng nêu tại Điều 2 Nghị định 123/2020/NĐ-CP tham khảo trong quá trình thực hiện.