Tải App trên Android

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
03/01/2025 15:23 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung 5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/01/2025

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/01/2025

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/01/2025 (Hình từ internet)

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/01/2025

Dưới đây là 5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 05/01/2025

1. Điều kiện xét tặng Giải thưởng lao động sáng tạo trong Công đoàn quân đội nhân dân

Ngày 22/11/2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 99/2024/TT-BQP về Quy chế xét, tặng Giải thưởng Lao động sáng tạo trong Công đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, quy định điều kiện xét tặng Giải thưởng lao động sáng tạo trong Công đoàn quân đội nhân dân:

- Đối với tác giả, tập thể tác giả

+ Gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội và quy định của đơn vị.

+ Hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

- Đối với công trình

+ Có tính mới, tính sáng tạo, đã được ứng dụng hoặc có khả năng ứng dụng vào thực tiễn xây dựng Quân đội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và lao động sản xuất, kinh doanh.

+ Công trình chưa đạt giải tại các cuộc thi cấp bộ, ngành và tương đương trở lên, được tham gia một giải thưởng cấp Bộ Quốc phòng.

2. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sưu tầm tài liệu đặc biệt

Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 12/2024/TT-BVHTTDL quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Theo đó, nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sưu tầm tài liệu đặc biệt bao gồm:

- Hao phí nhân công: là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng, bậc lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn của dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công, mỗi công tương ứng với thời gian làm việc 01 ngày làm việc (08 giờ) của người lao động theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động. Mức hao phí của lao động gián tiếp tính bằng tỷ lệ 15% của tổng hao phí lao động trực tiếp tương ứng.

- Hao phí về máy móc, thiết bị sử dụng: là thời gian sử dụng cần thiết từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng trên tổng thời gian khấu hao máy với 01 ngày làm việc (08 giờ) theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động.

- Hao phí vật liệu sử dụng: là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể. Mức hao phí vật liệu phụ được tính bằng 10% tổng giá trị hao phí vật liệu trong cùng bảng định mức.

3. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ

Ngày 29/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Cụ thể, cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành theo quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT (sửa đổi Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT) và các điều kiện sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:

- Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

- Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, giảng viên tham gia giảng dạy phải bảo đảm tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giảng dạy các nội dung trong chương trình đào tạo, trong đó phải có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần trong chương trình đào tạo.

- Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:

+ Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ;

+ Trong 05 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT đã tham gia hướng dẫn 05 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác); đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.

- Đạt các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học áp dụng cho cơ sở đào tạo tiến sĩ bao gồm:

+ Tiêu chí 2.3 về tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ;

+ Tiêu chí 6.1 về tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an);

+ Tiêu chí 6.2 về số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian.

4. Nội dung và tiêu chí đánh giá hồ sơ đề tài cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, quy định nội dung và tiêu chí đánh giá hồ sơ đề tài cấp bộ bao gồm:

- Đề tài cấp bộ đáp ứng các tiêu chí tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT;

- Tên đề tài, mục tiêu, số lượng, chất lượng sản phẩm, kinh phí thực hiện đề tài: cần chính xác với danh mục đặt hàng được giao;

- Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu cụ thể, phù hợp với quy mô đề tài;

- Phương pháp nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy, tính khả thi;

- Nội dung nghiên cứu rõ ràng, khoa học, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và sản phẩm của đề tài;

- Tiến độ thực hiện đề tài phù hợp với nội dung nghiên cứu;

- Phương thức chuyển giao và địa chỉ ứng dụng phù hợp với dự kiến kết quả nghiên cứu, đảm bảo tính khả thi;

- Tác động và lợi ích mang lại của các kết quả nghiên cứu;

- Dự toán kinh phí phù hợp với mục tiêu, nội dung nghiên cứu, sản phẩm dự kiến, các hoạt động hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu, các quy định về tài chính hiện hành. Thuyết minh rõ phần công việc khoán chi, phần công việc không khoán chi;

- Tiềm lực của tổ chức chủ trì; năng lực, kinh nghiệm, thành tích trong nghiên cứu khoa học và tổ chức triển khai thực hiện đề tài của chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện đề tài; cá nhân là người đề xuất đề tài được cộng 10 điểm ưu tiên.

5. Quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông

Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT.

Theo đó, quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông được quy định như sau:

- Xây dựng dự thảo chương trình tổng thể chỉnh sửa hoặc chương trình môn học chỉnh sửa.

- Lấy ý kiến góp ý dự thảo chương trình chỉnh sửa.

- Hoàn thiện dự thảo chương trình chỉnh sửa.

- Tổ chức thực nghiệm dự thảo chương trình chỉnh sửa nếu là chương trình môn học mới.

- Tổ chức thẩm định dự thảo chương trình chỉnh sửa, theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT.

- Hoàn thiện dự thảo chương trình chỉnh sửa sau thẩm định và ban hành chương trình chỉnh sửa.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 117

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]