Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA

CHƯƠNG 2

ĐỐI XỬ QUỐC GIA VÀ MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI HÀNG HÓA

ĐIỀU 2.1

Mục đích

Các Bên sẽ từng bước tiến tới tự do hóa thương mại hàng hóa và cải thiện việc mở cửa thị trường trong một khoảng thời gian chuyển tiếp, bắt đầu từ khi Hiệp định này có hiệu lực, tuân thủ các quy định của Hiệp định này và phù hợp với Điều XXIV của Hiệp định GATT 1994.

ĐIỀU 2.2

Phạm vi

Trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định này, Chương này áp dụng đối với thương mại hàng hóa giữa các Bên.

ĐIỀU 2.3

Định nghĩa

Trong phạm vi Chương này:

(a) “trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp” nghĩa là các trợ cấp được định nghĩa tại khoản (e) Điều 1 của Hiệp định về Nông nghiệp, bao gồm các sửa đổi của Điều đó;

(b) “hàng hóa nông nghiệp” nghĩa là hàng hóa được liệt kê tại Phụ lục 1 của Hiệp định về Nông nghiệp;

(c) “giao dịch lãnh sự” nghĩa là quy trình thủ tục lấy hóa đơn lãnh sự hoặc thị thực lãnh sự cho hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận xuất xứ, bản kê khai hàng hóa, tờ khai xuất khẩu của bên gửi hàng hoặc bất kỳ các chứng từ hải quan nào khác liên quan đến việc nhập khẩu của hàng hóa từ cơ quan Lãnh sự của Bên nhập khẩu tại lãnh thổ của Bên xuất khẩu, hoặc tại lãnh thổ của một nước thứ ba;

(d) “thuế quan” nghĩa là bất kỳ loại thuế hoặc phí nào được áp dụng hoặc liên quan tới việc nhập khẩu hàng hóa, bao gồm các hình thức phụ thu hoặc phụ phí được áp dụng hoặc liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa đó, và không bao gồm bất kỳ:

(i) khoản phí tương đương với một loại thuế nội địa được áp dụng theo các quy định tại Điều 2.4 (Đối xử quốc gia);

(ii) thuế áp dụng phù hợp với Chương 3 (Phòng vệ thương mại);

(iii) thuế áp dụng phù hợp với  Điều VI, XVI và XIX của Hiệp định GATT 1994, Hiệp định về Chống bán phá giá, Hiệp định SCM, Hiệp định về biện pháp Tự vệ, Điều 5 của Hiệp định về Nông nghiệp và Thỏa thuận DSU; và

(iv) phí hoặc các khoản phí khác phù hợp với Điều 2.18 (Phí, lệ phí khác và thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu);

(e) “thủ tục cấp phép xuất khẩu” là các thủ tục hành chính3 được sử dụng cho hoạt động của các cơ chế cấp phép xuất khẩu mà yêu cầu nộp hồ sơ hoặc các chứng từ khác, ngoài các giấy tờ được yêu cầu cho mục đích hải quan, cho một cơ quan hành chính có liên quan như một điều kiện trước khi xuất khẩu từ lãnh thổ của Bên xuất khẩu;

(f) “thủ tục cấp phép nhập khẩu” là các thủ tục hành chính4 được sử dụng cho hoạt động của các cơ chế cấp phép nhập khẩu mà yêu cầu nộp hồ sơ hoặc các chứng từ khác, ngoài các giấy tờ được yêu cầu cho mục đích hải quan, cho một cơ quan hành chính có liên quan như một điều kiện trước khi nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên nhập khẩu;

(g) “thủ tục cấp phép xuất khẩu không tự động” là các thủ tục cấp phép xuất khẩu không dành cho mọi pháp nhân và thể nhân cho dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bên liên quan đến các hoạt động xuất khẩu của hàng hóa là đối tượng điều chỉnh của các thủ tục cấp phép xuất khẩu đó;

(h) “thủ tục cấp phép nhập khẩu không tự động” là các thủ tục cấp phép nhập khẩu mà giấy phép không được cấp cho tất cả pháp nhân và thể nhân cho dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bên liên quan đến các hoạt động nhập khẩu của hàng hóa là đối tượng điều chỉnh của các thủ tục cấp phép nhập khẩu đó;

(i) “xuất xứ” là xuất xứ của một hàng hóa khi được xác định phù hợp với các quy tắc xuất xứ được nêu trong Nghị định thư 1 (Liên quan đến định nghĩa của khái niệm “Hàng hóa có xuất xứ” và các phương thức hợp tác hành chính);

(j) “yêu cầu thực hiện” nghĩa là yêu cầu rằng:

(i) một số lượng, trị giá hoặc tỷ lệ phần trăm nhất định của hàng hóa được xuất khẩu ;

(ii) hàng hóa của Bên cấp giấy phép nhập khẩu được thay thế cho hàng nhập khẩu;

(iii) một cá nhân được hưởng lợi từ giấy phép nhập khẩu mua hàng hóa khác trong lãnh thổ của Bên cấp giấy phép nhập khẩu, hoặc dành ưu tiên cho hàng hóa sản xuất trong nước;

(iv) một cá nhân được hưởng lợi từ giấy phép nhập khẩu phải sản xuất hàng hóa trong lãnh thổ của Bên cấp phép nhập khẩu, với một số lượng, trị giá hoặc phần trăm nhất định hàm lượng nội địa; hoặc

(v) gắn khối lượng hoặc giá trị hàng nhập khẩu với khối lượng hoặc giá trị hàng xuất khẩu, hoặc với lượng ngoại hối thu được dưới bất kỳ hình thức nào; và

(k) “hàng tân trang” nghĩa là hàng hóa được phân loại tại Chương HS 84, 85, 87, 90 hoặc 94.02, ngoại trừ hàng hóa được liệt kê tại Phụ lục 2-A-5 (Hàng hóa loại trừ khỏi định nghĩa của hàng tân trang) mà:

(i) được cấu tạo hoàn toàn hoặc một phần từ các bộ phận của sản phẩm đã được sử dụng trước đó; và

(ii) có tính năng hoạt động và các điều kiện vận hành cũng như tuổi thọ tương tự như sản phẩm mới nguyên bản, và được bảo hành như hàng mới.

ĐIỀU 2.4

Đối xử quốc gia

Mỗi Bên phải dành cho hàng hóa của Bên còn lại đối xử quốc gia phù hợp với Điều III của Hiệp định GATT 1994, bao gồm các ghi chú và diễn giải của Điều này. Để đạt mục tiêu này, các nghĩa vụ tại Điều III của Hiệp định GATT 1994 cùng với các ghi chú và diễn giải được tích hợp và tạo thành một phần của Hiệp định này, cùng với những sửa đổi phù hợp.

ĐIỀU 2.5

Phân loại hàng hóa

Việc phân loại hàng hóa trong thương mại giữa các Bên sẽ phù hợp với danh mục thuế quan của mỗi Bên và phù hợp với HS.

ĐIỀU 2.6

Hàng tân trang

Các Bên sẽ đối xử với hàng tân trang giống như với hàng hóa mới tương tự. Một Bên có thể yêu cầu dán nhãn cụ thể đối với hàng tân trang để tránh việc lừa gạt người tiêu dùng. Mỗi Bên sẽ thực thi Điều khoản này trong một giai đoạn chuyển tiếp không quá 3 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

ĐIỀU 2.7

Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan

1. Trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định này, mỗi Bên sẽ cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ từ Bên kia phù hợp với Biểu cam kết trong các Tiểu phụ lục 2-A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan).

2. Để tính toán các khoản cắt giảm liên tiếp quy định tại khoản 1, thuế suất cơ sở của thuế quan của mỗi hàng hóa sẽ là một mức thuế suất nhất định được nêu chi tiết tại Tiểu phụ lục 2-A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan). Việc xóa bỏ thuế quan tại Tiểu phụ lục 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) không áp dụng cho phương tiện vận tải đã qua sử dụng theo mã HS 87.02, 87.03 và 87.04.

3. Nếu một Bên cắt giảm thuế suất đối xử tối huệ quốc áp dụng thấp hơn thuế quan áp dụng phù hợp với Biểu cam kết thuế quan tương ứng trong Tiểu phụ lục 2-A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan), hàng hóa có xuất xứ của Bên kia sẽ được phép hưởng mức thuế thấp hơn đó.

4. Trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp định này, không Bên nào được tăng bất kỳ mức thuế quan đang áp dụng nào nêu tại Biểu cam kết của Bên đó trong Tiểu phụ lục 2-A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan), hoặc áp dụng mức thuế quan mới đối với một hàng hóa có xuất xứ từ Bên kia.

5. Một Bên có thể đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa có xuất xứ từ Bên kia theo Biểu cam kết của Bên đó trong Tiểu phụ lục 2-A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và

2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan). Bên nào xem xét đẩy nhanh việc cắt giảm thuế quan này sẽ phải thông báo cho Bên kia sớm nhất có thể trước khi thuế suất mới có hiệu lực. Việc đơn phương đẩy nhanh cắt giảm thuế quan không ngăn cản Bên đó tăng mức thuế quan trở lại như mức đã nêu tại từng lộ trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan trong Biểu cam kết tương ứng của mỗi Bên trong Tiểu phụ lục 2-A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan).

6. Theo yêu cầu của một Bên, các Bên sẽ tiến hành tham vấn để xem xét đẩy nhanh hoặc mở rộng phạm vi cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đang áp dụng theo Biểu cam kết tương ứng của mỗi Bên trong Tiểu phụ lục 2- A-1 (Biểu cam kết thuế quan của Liên minh) và 2-A-2 (Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan). Nếu các Bên đồng ý sửa đổi Hiệp định này nhằm đẩy nhanh hoặc mở rộng phạm vi cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, bất kỳ sửa đổi được thống nhất này sẽ thay thế bất kỳ mức thuế quan hoặc lộ trình nào đối với hàng hóa được xác định theo Biểu cam kết của các Bên. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực phù hợp với Điều 17.5 (Sửa đổi).

ĐIỀU 2.8

Quản lý các sai sót hành chính

Trong trường hợp xảy ra sai sót của cơ quan hành chính trong việc quản lý phù hợp của hệ thống ưu đãi khi xuất khẩu, và đặc biệt trong việc áp dụng Nghị định thư 1 (Liên quan đến định nghĩa của khái niệm “Hàng hóa có xuất xứ” và các phương thức hợp tác hành chính), mà sai sót này dẫn đến kết quả liên quan đến thuế suất nhập khẩu, thì Bên nhập khẩu có thể yêu cầu Ủy ban Thương mại được thành lập theo Điều 17.1 (Ủy ban Thương mại) kiểm tra về khả năng thông qua các biện pháp thích hợp nhằm giải quyết tình trạng đó.

ĐIỀU 2.9

Các biện pháp cụ thể liên quan đến ưu đãi thuế quan

1. Các Bên sẽ hợp tác trong việc đấu tranh chống vi phạm hải quan liên quan đến ưu đãi thuế quan được hưởng theo Chương này.

2. Vì mục đích tại khoản 1, mỗi Bên sẽ dành cho Bên kia hợp tác hành chính và hỗ trợ quản trị lẫn nhau về hải quan và các vấn đề liên quan như là một phần của việc thực thi và kiểm soát các ưu đãi thuế quan, bao gồm các nghĩa vụ sau:

(a) xác định các tình trạng xuất xứ của một sản phẩm hoặc các sản phẩm có liên quan;

(b) tiến hành xác minh bằng chứng của xuất xứ và cung cấp kết quả xác minh đó cho Bên kia; và

(c) cấp phép cho Bên nhập khẩu thực hiện các chuyến làm việc nhằm xác minh tính xác thực của tài liệu hoặc tính chính xác của thông tin liên quan đến việc dành ưu đãi thuế được đề cập.

3. Trong trường hợp, phù hợp với các quy định về hợp tác hành chính hoặc hỗ trợ quản trị cùng nhau về hải quan và các vấn đề liên quan được nêu tại khoản 2, Bên nhập khẩu xác định rằng bằng chứng về xuất xứ đã được Bên xuất khẩu phát hành không đúng do các yêu cầu quy định trong Nghị định thư 1 (Liên quan đến định nghĩa của khái niệm "Hàng hóa có xuất xứ” và các phương thức hợp tác hành chính) không được đáp ứng, Bên nhập khẩu đó có thể từ chối áp dụng ưu đãi thuế quan đối với người khai báo đã khai báo rằng hàng hóa đã có bằng chứng về xuất xứ được ban hành.

4. Nếu Bên nhập khẩu cho rằng việc từ chối ưu đãi thuế quan đối với từng lô hàng như quy định tại khoản 3 là không đủ để thực thi và kiểm soát ưu đãi thuế quan của một sản phẩm nhất định, Bên đó có thể, theo quy trình thủ tục được nêu tại khoản 5, tạm thời trì hoãn các ưu đãi thuế quan liên quan đối với các sản phẩm đó trong các trường hợp sau:

(a) khi Bên đó thấy rằng đã có một sự vi phạm hải quan có hệ thống liên quan đến khai báo ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này; hoặc

(b) khi Bên đó thấy rằng Bên xuất khẩu đã không tuân thủ một cách có hệ thống các nghĩa vụ nêu tại khoản 2.

5. Cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu sẽ thông báo không chậm trễ cho cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu các phát hiện của mình, cung cấp thông tin có thể kiểm chứng mà dựa trên đó các phát hiện được tiến hành và tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu nhằm hướng đến một giải pháp được hai bên chấp nhận.

6. Nếu sau 30 ngày kể từ ngày thông báo được nêu tại khoản 5, các cơ quan có thẩm quyền không đạt được một giải pháp đồng thuận đối với cả hai Bên, thì Bên nhập khẩu sẽ đề xuất không chậm trễ vấn đề này với Ủy ban Thương mại.

7. Nếu trong vòng 60 ngày kể từ khi vấn đề được đề xuất lên, Ủy ban Thương mại không đạt được đồng thuận về một giải pháp có thể chấp nhận được, Bên nhập khẩu có thể tạm thời đình chỉ ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm liên quan.

Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp đình chỉ tạm thời ưu đãi thuế quan theo quy định tại khoản này chỉ trong một khoảng thời gian cần thiết để bảo vệ lợi ích tài chính và cho đến khi Bên xuất khẩu cung cấp bằng chứng thuyết phục về khả năng tuân thủ các nghĩa vụ nêu tại khoản 2 và cung cấp biện pháp kiểm soát hiệu quả để thực thi các nghĩa vụ đó.

Biện pháp đình chỉ tạm thời không được vượt quá thời hạn ba tháng. Nếu các điều kiện dẫn đến việc phát sinh đình chỉ ban đầu vẫn tồn tại sau khi hết thời hạn ba tháng, Bên nhập khẩu có thể quyết định gia hạn biện pháp đình chỉ với thời hạn ba tháng nữa. Bất kỳ sự đình chỉ nào cũng phải được tham vấn định kỳ trong phạm vi Ủy ban Thương mại.

8. Bên nhập khẩu, phù hợp với quy trình nội bộ của mình, phải công bố các thông báo cho các nhà nhập khẩu về bất kỳ thông báo và quyết định nào liên quan đến biện pháp đình chỉ tạm thời nêu tại khoản 4. Bên nhập khẩu sẽ thông báo không chậm trễ cho Bên xuất khẩu và Ủy ban Thương mại về bất kỳ thông báo và quyết định đó.

ĐIỀU 2.10

Hàng hóa sửa chữa

1. Một Bên không được áp dụng thuế quan đối với hàng hóa, bất kể xuất xứ từ đâu, được tái nhập khẩu vào lãnh thổ của mình sau khi tạm thời xuất khẩu từ lãnh thổ của nước mình sang lãnh thổ Bên kia sửa chữa, bất kể sửa chữa đó có được tiến hành tại lãnh thổ của Bên có hàng hóa tạm thời xuất khẩu để sửa chữa hay không.

2. Khoản 1 không áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào kho ngoại quan trong khu vực thương mại tự do hoặc các khu vực tương đương, mà được xuất khẩu để sửa chữa và không được nhập khẩu trở lại kho ngoại quan trong khu vực thương mại tự do hoặc các khu vực tương đương.

3. Một Bên không được áp dụngthuế quan cho hàng hóa, bất kể xuất xứ từ đâu, được tạm thời nhập khẩu từ lãnh thổ của Bên kia để sửa chữa.

4. Trong phạm vi Điều này, thuật ngữ “sửa chữa” nghĩa là bất kỳ hoạt động xử lý nào thực hiện trên hàng hóa để khắc phục các khiếm khuyết vận hành hoặc hư hỏng vật chất và tái lập hàng hóa trở về chức năng ban đầu hoặc nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật cho việc sử dụng hàng hóa đó mà nếu thiếu quá trình xử lý này thì hàng hóa không thể sử dụng một cách bình thường theo mục đích đã đề ra. Sửa chữa hàng hóa bao gồm việc khôi phục và bảo trì. Hoạt động này không bao gồm thao tác hoặc quy trình mà:

(a) phá hủy các đặc tính cơ bản của hàng hóa hoặc tạo nên hàng hóa mới hoặc hàng hóa khác hoàn toàn về thương mại;

(b) biến hàng hóa chưa hoàn thiện trở thành sản phẩm hoàn chỉnh; hoặc

(c) được sử dụng nhằm cải thiện hoặc nâng cấp đặc tính kỹ thuật của hàng hóa.

ĐIỀU 2.11

Thuế xuất khẩu, thuế hoặc các khoản thu khác

1. Một Bên không được duy trì hoặc áp dụng bất kỳ loại thuế hải quan, thuế và các khoản thu khác nào áp dụng cho hoặc liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa sang lãnh thổ của Bên kia, mà vượt quá mức thuế và phí áp dụng cho các hàng hóa tương đương được nhập khẩu cho mục đích tiêu dùng nội địa, trừ trường hợp tuân thủ Biểu cam kết trong Tiểu phụ lục 2-A-3 (Biểu cam kết thuế xuất khẩu của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặcxóa bỏ thuế quan).

2. Nếu một Bên áp dụng thuế và phí thấp hơn đối với hoặc liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa, và nếu thấp hơn mức thuế được tính toán theo Biểu cam kết trong Tiểu phụ lục 2-A-3 (Biểu cam kết thuế xuất khẩu của Việt Nam) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan), thì mức thuế thấp hơn đó sẽ được áp dụng. Khoản này không áp dụng cho sự đối xử ưu đãi hơn dành cho nước thứ ba bất kỳ theo một thỏa thuận ưu đãi thương mại.

3. Theo yêu cầu của một trong các Bên, Ủy ban Thương mại sẽ tiến hành rà soát bất kỳ loại thuế và phí khác áp dụng đối với hoặc liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa sang lãnh thổ của Bên kia, khi một Bên dành sự đối xử ưu đãi hơn cho bên thứ 3 bất kỳ theo một thỏa thuận ưu đãi thương mại.

ĐIỀU 2.12

Trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp

1. Trong bối cảnh đa phương, các Bên chia sẻ đồng thời mục tiêu về xóa bỏ và ngăn chặn việc tái áp dụng tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu và các nguyên tắc đối với mọi biện pháp xuất khẩu mà có ảnh hưởng tương đương đối với nông sản. Vì mục đích đó, các Bên sẽ hợp tác vì mục tiêu tăng cường các nguyên tắc đa phương về doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu nông sản, trợ cấp lương thực quốc tế và hỗ trợ tài chính xuất khẩu.

2. Bắt đầu từ khi Hiệp định này có hiệu lực, Bên xuất khẩu không được phép đưa ra hoặc duy trì bất kỳ trợ cấp xuất khẩu nào hoặc các biện pháp khác có ảnh hưởng tương đương đối với bất kỳ loại nông sản nào là đối tượng của việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan bởi Bên nhập khẩu phù hợp với Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan) và là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên nhập khẩu.

ĐIỀU 2.13

Thực thi các quy định thương mại

Theo Điều X của Hiệp định GATT 1994, mỗi Bên sẽ áp dụng một cách thống nhất, công bằng và hợp lý tất cả các luật lệ, quy định, quyết định hành chính và phán quyết của tòa án của liên quan đến:

(a) việc phân loại hoặc định giá hàng hóa cho mục đích hải quan;

(b) Thuế quan, thuế hoặc các khoản thu khác;

(c) các yêu cầu, hạn chế hoặc lệnh cấm liên quan đến xuất khẩu hoặc nhập khẩu;

(d) chuyển tiền thanh toán; và

(e) các vấn đề ảnh hưởng đến bán hàng, phân phối, vận chuyển, bảo hiểm, kiểm tra kho bãi, triển lãm, xử lý, pha trộn hoặc hình thức sử dụng hàng hóa khác cho mục đích hải quan.

ĐIỀU 2.14

Hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu

1. Trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp định này, một Bên không được áp dụng hay duy trì bất kỳ hình thức cấm hoặc hạn chế nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào của Bên kia hoặc xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu bất kỳ hàng hóa nào sang lãnh thổ của Bên kia, phù hợp với Điều XI của Hiệp định GATT 1994 cùng với các ghi chú và quy định bổ sung của Điều khoản này. Để đạt được điều đó, Điều XI của Hiệp định GATT 1994 cùng với các ghi chú và quy định bổ sung được tích hợp và tạo thành một phần của Hiệp định này, cùng với những sửa đổi phù hợp.

2. Khoản 1 không cấm một Bên áp dụng hoặc duy trì:

(a) cấp phép nhập khẩu có điều kiện dựa trên việc đáp ứng yêu cầu thực hiện; hoặc

(b) biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện.

3. Khoản 1 và 2 không áp dụng đối với hàng hóa được liệt kê tại Tiểu phụ lục 2-A-4 (Hàng hóa mà Việt Nam áp dụng các biện pháp cụ thể). Bất kỳ sửa đổi về luật và quy định của Việt Nam mà sẽ cắt giảm phạm vi hàng hóa được liệt kê tại Tiểu phụ lục 2-A-4 (Hàng hóa mà Việt Nam áp dụng các biện pháp cụ thể) sẽ tự động áp dụng theo Hiệp định này. Bất kỳ ưu đãi nào mà Việt Nam dành cho các đối tác thương mại bất kỳliên quan đến phạm vi hàng hóa được liệt kê tại Tiểu phụ lục 2-A-4 (Hàng hóa mà Việt Nam áp dụng các biện pháp cụ thể) sẽ tự động áp dụng theo Hiệp định này. Việt Nam sẽ thông báo cho Liên minh Châu Âu về bất kỳ sự thay đổi hay ưu đãi được nêu tại khoản này.

4. Theo Hiệp định WTO, một Bên có thể thực thi bất kỳ biện pháp nào được Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO cho phép đối với Bên kia.

5. Khi một Bên áp dụng hoặc duy trì biện pháp cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hoặc xuất khẩu phải đảm bảo minh bạch hóa về biện pháp đó.

ĐIỀU 2.15

Các quyền thương mại và quyền liên quan khác đối với dược phẩm

1. Việt Nam sẽ áp dụng và duy trì các văn kiện pháp lý phù hợp cho phép các công ty dược phẩm nước ngoài thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nhập khẩu dược phẩm mà đã có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam về việc tiếp thị. không làm ảnh hưởng tới Biểu cam kết của Việt Nam trong Phụ lục 8-B (Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó được phép bán dược phẩm được nhập khẩu hợp pháp cho các nhà phân phối hoặc nhà bán buôn mà có quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam.

2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu tại khoản 1 được phép:

(a) xây dựng nhà kho để chứa dược phẩm họ nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam phù hợp với các quy định được ban hành bởi Bộ Y tế, hoặc các cơ quan dưới quyền;

(b) cung cấp thông tin về dược phẩm họ đã nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phù hợp với quy định của Bộ Y tế, hoặc các cơ quan dưới quyền, và các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam; và

(c) thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng theo quy định của Điều 3 (Tiêu chuẩn quốc tế) của Phụ lục 2-C (Dược phẩm và thiết bị y tế) và phù hợp với các quy định của Bộ Y Tế, hoặc các cơ quan dưới quyền nhằm đảm bảo dược phẩm mà họ nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam là thích hợp cho tiêu dùng nội địa.

ĐIỀU 2.16

Thủ tục cấp phép nhập khẩu

1. Các Bên khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định Cấp phép nhập khẩu.

2. Mỗi Bên phải thông báo cho Bên kia về thủ tục cấp phép nhập khẩu hiện hành của nước mình, bao gồm cơ sở pháp lý và trang thông tin mạng chính thống có liên quan, trong vòng 30 ngày từ khi Hiệp định này có hiệu lực, trừ trường hợp đã thông báo hoặc cung cấp thông tin theo Điều 5 hoặc khoản 3 Điều 7 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu. Thông báo phải chứa đựng thông tin như quy định tại Điều 5 hoặc khoản 3 Điều 7 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu.

3. Mỗi Bên phải thông báo cho Bên kia bất kỳ thủ tục cấp phép nhập khẩu nào mới hoặc sửa đổi đang định thông qua trong khoảng thời gian không muộn hơn 45 ngày trước khi thủ tục mới hoặc sửa đổi có hiệu lực. Trong mọi trường hợp, các Bên không được phép thông báo muộn hơn 60 ngày sau ngày công bố về thủ tục mới hoặc sửa đổi, trừ trường hợp đã được thông báo theo Điều 5 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu. Thông báo phải chứa đựng thông tin như quy định tại Điều 5 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu.

4. Mỗi Bên sẽ công bố trên một trang thông tin chính thống các thông tin được yêu cầu theo điểm 4(a) Điều 1 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu.

5. Khi có yêu cầu của một Bên, Bên kia phải trả lời trong vòng 60 ngày, nếu đó là một yêu cầu hợp lý, thông tin liên quan đến bất kỳ thủ tục cấp phép nhập khẩu nào mà Bên đó định thông qua, hoặc đã thông qua hoặc duy trì, cũng như những tiêu chí cấp hoặc phân bổ giấy phép nhập khẩu, bao gồm điều kiện nộp đơn đối với cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các cơ quan hành chính cần tiếp cận và danh sách sản phẩm thuộc diện cấp phép.

6. Các Bên sẽ thông qua và quản lý thủ tục cấp phép nhập khẩu tuân thủ theo:

(a) khoản 1 đến 9 Điều 1 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu;

(b) Điều 2 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu; và

(c) Điều 3 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu.

Để đạt mục tiêu này, các quy định nêu tại điểm (a), (b) và (c) của khoản này được tích hợp và tạo thành một phần của Hiệp định này, với các sửa đổi phù hợp.

7. Một Bên sẽ chỉ tự động áp dụng hoặc duy trì thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động như là một điều kiện nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên đó nhằm thi hành các mục tiêu hợp pháp sau khi tiến hành đánh giá tác động thích hợp.

8. Một Bên sẽ cấp giấy phép nhập khẩu trong một khoảng thời gian hợp lý, không ngắn hơn so thời gian đã được quy định tại pháp luật trong nước về yêu cầu cấp phép nhập khẩu, và không gây nên sự ngăn chặn nhập khẩu.

9. Khi một Bên từ chối đơn xin cấp phép nhập khẩu đối với một hàng hóa của Bên kia thì theo yêu cầu của người nộp đơn, Bên đó phải trả lời bằng văn bản về lý do từ chối cấp giấy phép nhập khẩu ngay sau khi nhận được yêu cầu. Người nộp đơn có quyền khiếu nại hoặc xin xem xét lại phù hợp với luật pháp và thủ tục trong nước của Bên nhập khẩu.

10. Các Bên sẽ chỉ áp dụng hoặc duy trì thủ tục cấp phép nhập khẩu không tự động nhằm thực thi các biện pháp không phù hợp với Hiệp định này, bao gồm Điều 2.22 (Ngoại lệ chung). Bên áp dụng thủ tục cấp phép nhập khẩu không tự động phải nêu rõ mục đích của quy trình thủ tục này.

ĐIỀU 2.17

Thủ tục cấp phép xuất khẩu

1. Mỗi Bên phải thông báo cho Bên kia về thủ tục cấp phép xuất khẩu hiện hành của mình, bao gồm cơ sở pháp lý và trang thông tin mạng chính thống có liên quan, trong vòng 30 ngày từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

2. Mỗi Bên phải thông báo cho Bên kia bất kỳ thủ tục cấp phép xuất khẩu nào mới hoặc sửa đổi đang định thông qua trong khoảng thời gian không muộn hơn 45 ngày trước khi thủ tục mới hoặc sửa đổi có hiệu lực. Trong mọi trường hợp, các Bên không được phép thông báo muộn hơn 60 ngày sau ngày công bố về thủ tục mới hoặc sửa đổi đó.

3. Thông báo nêu tại khoản 1 và 2 phải chứa đựng những thông tin sau:

(a) lời văn của quy trình thủ tục cấp phép xuất khẩu, bao gồm bất kỳ sự sửa đổi nào;

(b) hàng hóa là đối tượng cấp phép xuất khẩu;

(c) đối với từng thủ tục cấp phép xuất khẩu, mô tả về:

(i) quy trình nộp đơn xin cấp phép xuất khẩu; và

(ii) các tiêu chí mà người nộp đơn phải đáp ứng để được cấp phép xuất khẩu;

(d) một hoặc các đầu mối liên lạc mà các bên quan tâm có thể hỏi thêm thông tin về điều kiện xin giấy phép xuất khẩu;

(e) bộ phận hành chính tiếp nhận hồ sơ và các giấy tờ liên quan;

(f) khoảng thời gian mà từng thủ tục cấp phép xuất khẩu có hiệu lực;

(g) tổng lượng hạn ngạch và nếu có thể, giá trị của hạn ngạch và ngày mở, ngày đóng hạn ngạch nếu Bên đó định áp dụng thủ tục cấp phép xuất khẩu nhằm quản lý hạn ngạch xuất khẩu; và

(h) bất kỳ ngoại lệ nào của yêu cầu cấp phép xuất khẩu, cách thức yêu cầu các ngoại lệ đó, và các tiêu chí để được áp dụng các ngoại lệ này.

4. Mỗi Bên sẽ công bố các thủ tục cấp phép xuất khẩu hiện hành, bao gồm cơ sở pháp lý và trang thông tin mạng chính thống có liên quan. Mỗi Bên cũng sẽ công bố bất kỳ thủ tục mới hoặc sửa đổi sớm nhất và trong mọi trường hợp không được phép muộn hơn 45 ngày sau khi thông qua và ít nhất 25 ngày trước khi có hiệu lực.

5. Khi có yêu cầu của một Bên, Bên kia phải trả lời trong vòng 60 ngày, nếu đó là một yêu cầu hợp lý, liên quan đến bất kỳ thủ tục cấp phép xuất khẩu nào mà Bên đó định thông qua, hoặc đã thông qua hoặc duy trì, cũng như những tiêu chí cấp hoặc phân bổ giấy phép xuất khẩu, bao gồm điều kiện nộp đơn đối với cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các cơ quan hành chính thực hiện việc nộp đơn, các cơ quan hành chính cần tiếp cận và danh sách sản phẩm thuộc diện cấp phép.

6. Các Bên sẽ thông qua và quản lý thủ tục cấp phép xuất khẩu tuân thủ theo:

(a) khoản 1 đến 9 Điều 1 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu;

(b) Điều 2 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu;

(c) Điều 3 của Hiệp định Cấp phép nhập khẩu ngoại trừ các điểm 5(a), (c), (j) và (k).

Để đạt mục tiêu này, các quy định về Hiệp định Cấp phép nhập khẩu nêu tại điểm (a), (b) và (c) của khoản này được tích hợp và tạo thành một phần của Hiệp định này, với các sửa đổi phù hợp.

7. Mỗi Bên phải đảm bảo tất cả các thủ tục cấp phép xuất khẩu là trung lập và được quản lý theo cách công bằng, vô tư, không phân biệt đối xử và minh bạch.

8. Một Bên sẽ cấp giấy phép xuất khẩu cho một khoảng thời gian hợp lý, không ngắn hơn so với quy định của pháp luật trong nước về yêu cầu cấp phép xuất khẩu, và không gây nên sự ngăn chặn xuất khẩu.

9. Khi một Bên từ chối đơn xin cấp phép xuất khẩu đối với một hàng hóa của Bên kia thì theo yêu cầu của người nộp đơn, Bên đó phải trả lời bằng văn bản về lý do từ chối ngay sau khi nhận được yêu cầu. Người nộp đơn có quyền khiếu nại hoặc xin xem xét lại phù hợp với luật pháp và thủ tục trong nước của Bên xuất khẩu.

10. Một Bên sẽ chỉ áp dụng hoặc duy trì thủ tục cấp phép xuất khẩu tự động như là một điều kiện xuất khẩu từ lãnh thổ của Bên đó nhằm thi hành các mục tiêu hợp pháp sau khi tiến hành đánh giá tác động thích hợp.

11. Các Bên sẽ chỉ áp dụng và duy trì thủ tục cấp phép xuất khẩu không tự động  nhằm thực thi một biện pháp không phù hợp với Hiệp định này, bao gồm Điều 2.22 (Ngoại lệ chung). Bên áp dụng thủ tục cấp phép xuất khẩu không tự động phải nêu rõ mục đích thực hiện của thủ tục này.

ĐIỀU 2.18

Phí, lệ phí khác và thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu

1. Mỗi Bên sẽ đảm bảo rằng các khoản phí, lệ phí, thủ tục và yêu cầu, ngoại trừ các thuế suất nhập khẩu và xuất khẩu và biện pháp được liệt kê tại điểm (d)(i), (ii) và (iii) của Điều 2.3 (Các Định nghĩa), phù hợp với nghĩa vụ của các Bên theo Điều VIII của Hiệp định GATT 1994, bao gồm các ghi chú và quy định bổ sung.

2. Một Bên sẽ chỉ áp dụng các khoản phí và lệ phí đối với các dịch vụ được cung cấp liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Phí và lệ phí sẽ không dựa trên cơ sở thuế suất phần trăm và không vượt quá chi phí tương đương của dịch vụ được cung cấp. Mỗi Bên sẽ công bố thông tin về các loại phí và lệ phí mà Bên đó áp dụng liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa theo Điều 4.10 (Phí và lệ phí).

3. Một Bên sẽ không yêu cầu giao dịch lãnh sự, bao gồm các khoản phí và lệ phí liên quan đến việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Sau 3 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, một Bên sẽ không yêu cầu chứng nhận lãnh sự đối với việc nhập khẩu hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định này.

ĐIỀU 2.19

Dán nhãn xuất xứ

Trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp định này, nếu Việt Nam áp dụng các yêu cầu bắt buộc về dán nhãn xuất xứ đối với các sản phẩm phi nông nghiệp của Liên minh Châu Âu thì Việt Nam sẽ chấp nhận nhãn “Sản xuất tại EU ” hoặc nhãn tương đương theo ngôn ngữ nội địa như là việc đáp ứng các yêu cầu này.

ĐIỀU 2.20

Doanh nghiệp thương mại Nhà nước

1. Các Bên khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Điều XVII của Hiệp định GATT 1994, cùng với các ghi chú và quy định bổ sung, và Diễn giải của WTO về giải thích Điều XVII của Hiệp định GATT 1994, được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, với các sửa đổi phù hợp.

2. Nếu một Bên yêu cầu thông tin từ Bên kia trong các trường hợp riêng lẻ về doanh nghiệp thương mại nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp này, bao gồm thông tin về thương mại song phương, thì Bên được yêu cầu phải đảm bảo tính minh bạch theo quy định tại điểm 4(d) Điều XVII của Hiệp định GATT 1994.

ĐIỀU 2.21

Xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan theo lĩnh vực

1. Các Bên sẽ thực hiện các cam kết về các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa theo từng lĩnh vực như trong quy định tại Phụ lục 2-B (Xe cơ giới và phụ tùng và thiết bị xe cơ giới) và 2-C (Dược phẩm và các thiết bị y tế).

2. Trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định này, 10 năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực và theo yêu cầu của một trong các Bên, các Bên sẽ, phù hợp với quy trình nội bộ của từng bên, bắt đầu đàm phán với mục tiêu mở rộng phạm vi cam kết về các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa theo từng lĩnh vực.

ĐIỀU 2.22

Ngoại lệ chung

1. Chương này không ngăn cản một trong các Bên tiến hành các biện pháp phù hợp với quy định tại Điều XX của Hiệp định GATT 1994, cùng với các ghi chú và quy định sửa đổi, được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, với các sửa đổi phù hợp.

2. Các Bên hiểu rằng trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp nào quy định tại điểm (i) và (j) của Điều XX Hiệp định GATT 1994, Bên xuất khẩu có ý định áp dụng các biện pháp đó sẽ cung cấp cho Bên kia tất cả các thông tin liên quan. Khi được yêu cầu, các Bên sẽ tham vấn với quan điểm tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được. Các Bên có thể đồng ý về một phương thức cần thiết để giải quyết các khó khăn. Nếu các thông tin và sự kiểm tra trước không thể thực hiện do các hoàn cảnh ngoại lệ và nghiêm trọng đỏi hỏi phải có hành động ngay lập tức, Bên xuất khẩu có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết và ngay lập tức thông báo cho Bên kia.

ĐIỀU 2.23

Ủy ban Thương mại Hàng hóa

1. Ủy ban Thương mại Hàng hóa được thành lập theo Điều 17.2 (Các Ủy ban chuyên ngành) sẽ bao gồm các đại diện của các Bên.

2. Ủy ban Thương mại Hàng hóa sẽ xem xét bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Chương này và Nghị định thư 1 (Liên quan đến định nghĩa của khái niệm “Hàng hóa có xuất xứ” và các phương thức hợp tác hành chính).

3. Ủy ban Thương mại Hàng hóa sẽ thực hiện các chức năng sau theo quy định của Điều 17.2 (Các Ủy ban chuyên ngành):

(a) rà soát và giám sát việc thực thi và vận hành của các điều khoản được nêu tại khoản 2;

(b) xác định và đề xuất các biện pháp xử lý bất kỳ bất đồng nào có thể nảy sinh, và thúc đẩy, tạo thuận lợi và phát triển việc tiếp cận thị trường, bao gồm bất kỳ việc đẩy nhanh các cam kết thuế quan quy định tại Điều 2.7 (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan);

(c) đề xuất Ủy ban Thương mại thành lập các nhóm công tác nếu thấy cần thiết;

(d) thực thi bất kỳ các công việc bổ sung khác mà Ủy ban Thương mại chỉ định; và

(e) đề xuất Ủy ban Thương mại thông qua các quyết định sửa đổi danh mục các giống lúa thơm được liệt kê tại điểm 5 (c) Tiểu Mục 1 (Hạn ngạch thuế quan của Liên minh) Mục B (Hạn ngạch thuế quan) của Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan).

1 Để rõ nghĩa hơn, đối với Việt Nam, các thể thức quy phạm pháp luật, luật và các quy định liên quan ở cấp trung ương hoặc địa phương được quy định tại Luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 về việc Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cùng các sửa đổi sau đó.

2 Thuật ngữ “thể nhân” bao gồm các thể nhân thường trú tại Lát-vi-a mà không phải là công dân của Lát-vi-a hay bất kỳ quốc gia nào khác nhưng được phép mang hộ chiếu dành cho người nước ngoài, theo luật và quy định của Lát-vi-a.

3 Các thủ tục được gọi là “cấp phép” cũng như các thủ tục hành chính tương tự khác.

4 Các thủ tục được gọi là “cấp phép” cũng như các thủ tục hành chính tương tự khác.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,772

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]