Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA

CHƯƠNG 15

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

MỤC A

MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI

ĐIỀU 15.1

Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này nhằm xây dựng một cơ chế hiệu quả và thuận tiện cho việc ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp giữa các Bên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này bằng việc đạt được giải pháp đồng thuận giữa các Bên.

ĐIỀU 15.2

Phạm vi

Trừ trường hợp được quy định khác trong Hiệp định này, Chương này được áp dụng nhằm ngăn ngừa và giải quyết mọi tranh chấp giữa các Bên liên quan tới việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của Hiệp định này.

MỤC B

THAM VẤN VÀ HÒA GIẢI

ĐIỀU 15.3

Tham vấn

1. Các Bên phải nỗ lực giải quyết mọi tranh chấp được nêu tại Điều 15.2 (Phạm vi) bằng cách tiến hành tham vấn một cách thiện chí nhằm đạt được giải pháp đồng thuận giữa các Bên.

2. Một Bên phải tiến hành tham vấn bằng bằng hình thức gửi một văn bản yêu cầu tới Bên kia, sao gửi đến Ủy ban Thương mại thành lập theo Điều 17.1 (Ủy ban Thương mại) trong đó xác định biện pháp tranh chấp và các điều khoản liên quan của Hiệp định này.

3. Tham vấn phải được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo quy định tại khoản 2 tại lãnh thổ của  Bên nhận yêu cầu tham vấn trừ trường hợp các Bên có thoả thuận khác. Tham vấn phải được coi là kết thúc trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, trừ trường hợp các Bên có thoả thuận tiếp tục tham vấn. Tham vấn, đặc biệt là đối với các thông tin được công bố và quan điểm của các Bên, sẽ được bảo mật và không làm ảnh hưởng tới quyền của các Bên trong các quy trình tố tụng tiếp theo.

4. Tham vấn trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hóa hoặc dịch vụ theo mùa vụ, sẽ được tiến hành trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo quy định tại khoản 2. Tham vấn sẽ được coi là kết thúc trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu nhắc tới tại khoản 2, trừ trường hợp các Bên thỏa thuận tiếp tục tham vấn.

5. Bên yêu cầu tham vấn có thể áp dụng Điều 15.5 (Khởi động thủ tục trọng tài) nếu:

(a) Bên kia không trả lời yêu cầu tham vấn trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn;

(b) tham vấn không được tiến hành trong khoảng thời gian quy định tại khoản 3 hoặc 4;

(c) các Bên thỏa thuận không tổ chức tham vấn; hoặc

(d) tham vấn đã kết thúc mà không đạt được giải pháp đồng thuận giữa các Bên.

6. Trong quá trình tham vấn, mỗi Bên phải cung cấp đầy đủ thông tin thực tế để xem xét cách thức mà các biện pháp được cho là vi phạm có thể ảnh hưởng đến việc thi hành và áp dụng Hiệp định này.

ĐIỀU 15.4

Cơ chế hòa giải

Các Bên tham gia tranh chấp có thể thỏa thuận bất cứ lúc nào về việc tiến hành thủ tục hòa giải liên quan đến các biện pháp có ảnh hưởng bất lợi đến thương mại hoặc tự do hóa đầu tư giữa các Bên theo Phụ lục 15-C (Cơ chế hòa giải).

MỤC C

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

TIỂU MỤC 1

THỦ TỤC TRỌNG TÀI

ĐIỀU 15.5

Khởi động thủ tục trọng tài

1. Khi các Bên không giải quyết được tranh chấp thông qua tham vấn theo quy định tại Điều 15.3 (Tham vấn), thì Bên yêu cầu tham vấn có thể yêu cầu thành lập một hội đồng trọng tài.

2. Yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài phải được lập bằng văn bản gửi đến Bên kia và sao gửi Ủy ban Thương mại. Bên khởi kiện phải chỉ rõ trong yêu cầu biện pháp tranh chấp và sẽ giải thích một cách đầy đủ sự không phù hợp của biện pháp đó với các điều khoản tại Hiệp định này để làm rõ cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện.

ĐIỀU 15.6

Điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài

Trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác trong vòng 10 ngày sau ngày lựa chọn các trọng tài viên, điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài sẽ là:

“Xem xét, dựa trên các điều khoản liên quan của Hiệp định này được trích dẫn bởi các Bên, vấn đề được dẫn chiếu trong yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài theo Điều 15.5 (Khởi động thủ tục trọng tài) để phán xử sự phù hợp của biện pháp tranh chấp với các điều khoản được nêu tại Điều 15.2 (Phạm vi), và chỉ ra trong báo cáo các kết luận thực tế, khả năng áp dụng các điều khoản liên quan và các lập luận cơ bản đối với bất kỳ kết luận và khuyến nghị nào, phù hợp với các Điều 15.10 (Báo cáo sơ bộ) và Điều 15.11 (Báo cáo cuối cùng).”

ĐIỀU 15.7

Thành lập hội đồng trọng tài

1. Một hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên.

2. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày Bên bị kiện nhận được yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài, các Bên sẽ tham vấn để đạt được một thỏa thuận về thành phần của hội đồng trọng tài.

3. Trường hợp các Bên không thỏa thuận được về thành phần của hội đồng trọng tài trong khoảng thời gian quy định tại khoản 2, mỗi Bên có thể chỉ định một trọng tài viên từ danh sách các ứng viên trọng tài mà đã được Bên đó lập ra theo quy định tại Điều 15.23 (Danh sách Trọng tài viên) trong vòng 10 ngày kể từ khi kết thúc khoảng thời gian để thành lập hội đồng trọng tài được nêu tại khoản 2. Nếu một Bên không chỉ định được trọng tài viên từ danh sách của mình thì trọng tài viên phải được lựa chọn bằng bốc thăm, theo yêu cầu của Bên còn lại, bởi chủ tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được chủ tịch Ủy ban Thương mại ủy quyền, từ danh sách các ứng viên đã được Bên đó lập ra theo quy định tại Điều 15.23 (Danh sách Trọng tài viên).

4. Trường hợp các Bên không đạt được thỏa thuận về vị trí chủ tịch hội đồng trọng tài trong khoảng thời gian quy định tại khoản 2, chủ tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được chủ tịch Ủy ban Thương mại ủy quyền, theo yêu cầu của một Bên, phải bốc thăm lựa chọn chủ tịch hội đồng trọng tài từ danh sách chủ tịch hội đồng trọng tài được lập ra theo quy định tại Điều 15.23 (Danh sách Trọng tài viên).

5. Chủ tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được chủ tịch Ủy ban Thương mại ủy quyền, sẽ lựa chọn các trọng tài viên trong vòng năm ngày kể từ khi có yêu cầu theo quy định tại khoản 3 hoặc 4.

6. Ngày thành lập hội đồng trọng tài sẽ là ngày mà ba trọng tài viên được lựa chọn thông báo tới các Bên chấp nhận việc bổ nhiệm theo quy định tại Phụ lục 15-A (Quy tắc Tố tụng Trọng tài).

7. Trường hợp các danh sách quy định tại Điều 15.23 (Danh sách Trọng tài viên) chưa được lập ra hoặc không có đủ tên các trọng tài viên khi một yêu cầu được đưa ra theo quy định tại khoản 3 hoặc 4, các vị trí trọng tài viên phải được lựa chọn từ các cá nhân đã được đề xuất chính thức bởi cả hai Bên, hoặc bởi một Bên trong trường hợp chỉ có một Bên đưa ra đề xuất.

ĐIỀU 15.8

Quy trình tố tụng Giải quyết Tranh chấp của Hội đồng Trọng tài

1. Các quy tắc và thủ tục quy định tại Điều này, Phụ lục 15-A (Quy tắc Tố tụng Trọng tài) và 15-B (Quy tắc Ứng xử của Trọng tài viên và Hòa giải viên), sẽ điều chỉnh các quy trình giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, các Bên phải họp với hội đồng trọng tài trong vòng 10 ngày kể từ khi hội đồng trọng tài được thành lập để xác định các vấn đề tranh chấp mà các Bên hoặc hội đồng trọng tài cho là cần thiết, bao gồm khung thời gian của quy trình tố tụng, thù lao và chi phí được trả cho các trọng tài viên theo quy định tại Phụ lục 15-A (Quy tắc tố tụng trọng tài). Các trọng tài viên và đại diện của các Bên có thể tham gia cuộc họp này qua điện thoại hoặc truyền hình trực tuyến.

3. Địa điểm diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp phải được quyết định theo thỏa thuận giữa các Bên. Trường hợp không có sự thống nhất về địa điểm, phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ được tổ chức tại Brúc-xen (Bỉ) khi Bên khởi kiện là Việt Nam và tại Hà Nội khi bên khởi kiện là Liên minh.

4. Các phiên họp giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài phải được mở công khai trừ trường hợp có quy định khác tại Phụ lục 15-A (Quy tắc tố tụng trọng tài).

5. Theo quy định tại Phụ lục 15-A (Quy tắc Tố tụng Trọng tài), các Bên phải có cơ hội tham gia các buổi tường trình, trình bày, lập luận hay phản bác trong quá trình tố tụng. Mọi thông tin hoặc văn bản đệ trình lên hội đồng trọng tài của một Bên, bao gồm tất cả ý kiến đối với nội dung của báo cáo sơ bộ, phần trả lời câu hỏi của hội đồng trọng tài và ý kiến bình luận của một Bên về các câu trả lời đó, sẽ được cung cấp cho Bên kia.

6. Trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác, trong vòng ba ngày kể từ ngày thành lập, hội đồng trọng tài, trên cơ sở phù hợp với Phụ lục 15-A (Quy tắc Tố tụng Trọng tài), có thể nhận các văn bản đệ trình tự nguyện (đệ trình amicus curiae) từ  các thể nhân hoặc pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ của một Bên.

7. Để thảo luận nội bộ, hội đồng trọng tài phải họp kín chỉ có các trọng tài viên tham gia. Hội đồng trọng tài có thể cho phép các trợ lý tham gia phiên họp kín của mình. Nội dung thảo luận của hội đồng trọng tài và các tài liệu đệ trình trong các phiên họp kín sẽ được bảo mật.

ĐIỀU 15.9

Các phán quyết Sơ bộ trong Trường hợp khẩn cấp

Trường hợp một Bên yêu cầu xem xét liệu vấn đề tranh chấp đó có phải là trường hợp khẩn cấp hay không, hội đồng trọng tài sẽ đưa ra một phán quyết sơ bộ trong vòng 10 ngày kể từ ngày hội đồng trọng tài được thành lập.

ĐIỀU 15.10

Báo cáo sơ bộ

1. Hội đồng trọng tài phải đưa ra báo cáo sơ bộ tới các Bên về kết luận đối với các tình tiết thực tế, khả năng áp dụng các quy định liên quan và lập luận cơ bản của các phán quyết và khuyến nghị không muộn hơn 90 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. Trường hợp nhận thấy không kịp thời hạn đưa ra báo cáo sơ bộ, chủ tịch hội đồng trọng tài phải thông báo bằng văn bản tới các Bên và Ủy ban Thương mại nêu rõ lý do của việc chậm trễ và thời gian hội đồng dự định đưa ra báo cáo sơ bộ. Trong mọi trường hợp, hội đồng trọng tài phải đưa ra báo cáo sơ bộ không muộn hơn 120 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài.

2. Một Bên có thể đệ trình một yêu cầu bằng văn bản, bao gồm cả các bình luận, tới hội đồng trọng tài để xem xét lại các khía cạnh chính xác của báo cáo sơ bộ trong vòng 14 ngày kể từ ngày thông báo.

3. Trong các trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hóa hoặc dịch vụ theo mùa vụ, hội đồng trọng tài sẽ nỗ lực đưa ra báo cáo sơ bộ trong vòng 45 ngày và, trong mọi trường hợp, không muộn hơn 60 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài. Một Bên có thể đệ trình văn bản yêu cầu, bao gồm cả các ý kiến, tới hội đồng trọng tài để xem xét lại các khía cạnh chính xác của báo cáo sơ bộ, trong vòng 7 ngày kể từ ngày có thông báo về báo cáo sơ bộ.

4. Sau khi xem xét văn bản yêu cầu của các Bên, bao gồm cả các ý kiến của các Bên đối với báo cáo sơ bộ, hội đồng trọng tài có thể điều chỉnh lại báo cáo và tiến hành rà soát thêm nếu cần thiết.

ĐIỀU 15.11

Báo cáo Cuối cùng

1. Hội đồng trọng tài phải đưa ra báo cáo cuối cùng tới các Bên và tới Ủy ban Thương mại trong vòng 120 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. Trường hợp nhận thấy không thể kịp thời hạn để đưa ra báo cáo cuối cùng, chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ thông báo bằng văn bản tới các Bên và Ủy ban Thương mại nêu rõ lý do của việc chậm trễ đó và thời gian dự định đưa ra báo cáo cuối cùng. Trong mọi trường hợp, báo cáo cuối cùng phải được đưa ra không muộn hơn 150 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài.

2. Trong các trường hợp khẩn cấp, bao gồm các trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hóa hoặc dịch vụ theo mùa vụ, hội đồng trọng tài sẽ nỗ lực đưa ra báo cáo cuối cùng trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài. Trong mọi trường hợp, báo cáo cuối cùng phải được đưa ra không muộn hơn 75 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài.

3. Báo cáo cuối cùng phải bao gồm đầy đủ các nội dung đã thảo luận tại giai đoạn báo cáo sơ bộ, và phải thể hiện rõ ràng bình luận bởi các Bên.

TIỂU MỤC 2

TUÂN THỦ

ĐIỀU 15.12

Tuân thủ báo cáo cuối cùng

Bên bị kiện sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm tuân thủ kịp thời và thiện chí báo cáo cuối cùng.

ĐIỀU 15.13

Khoảng Thời gian Hợp lý của việc Tuân thủ

1. Trường hợp việc tuân thủ ngay lập tức không thể thực hiện được, các Bên sẽ nỗ lực thỏa thuận với nhau về thời gian tuân thủ báo cáo cuối cùng. Trong trường hợp này, Bên bị kiện sẽ, không muộn hơn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo cuối cùng, thông báo cho Bên khởi kiện và Ủy ban Thương mại về thời gian mà Bên đó cần có để tuân thủ (sau đây gọi tắt là “khoảng thời gian hợp lý”).

2. Trường hợp các Bên không thỏa thuận được về khoảng thời gian hợp lý để tuân thủ báo cáo cuối cùng, trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bên bị kiện theo quy định tại khoản 1, Bên khởi kiện phải gửi yêu cầu bằng văn bản lên hội đồng trọng tài được thành lập theo quy định tại Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) (sau đây gọi tắt là “hội đồng trọng tài ban đầu”) để xác định khoảng thời gian hợp lý. Yêu cầu đó sẽ được thông báo tới Bên bị kiện và sao gửi Ủy ban Thương mại.

3. Hội đồng trọng tài phải thông báo phán quyết của mình về khoảng thời gian hợp lý tới các Bên và Ủy ban Thương mại trong vòng 20 ngày kể từ ngày đệ trình yêu cầu theo quy định tại khoản 2.

4. Bên bị kiện phải thông báo bằng văn bản tới Bên khởi kiện về tiến trình tuân thủ của Bên bị kiện đối với báo cáo cuối cùng ít nhất 30 ngày trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý.

5. Các Bên có thể thỏa thuận gia hạn khoảng thời gian hợp lý.

ĐIỀU 15.14

Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ Báo cáo Cuối cùng

1. Bên bị kiện phải thông báo tới Bên khởi kiện và Ủy ban Thương mại trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý về các biện pháp đã được thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng.

2. Trường hợp các Bên không thỏa thuận được về sự tồn tại hoặc tính nhất quán của bất kỳ biện pháp nào đã được thực hiện để tuân thủ các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi) và đã được thông báo theo quy định tại khoản 1, Bên khởi kiện có thể gửi yêu cầu bằng văn bản, tới hội đồng trọng tài ban đầu để quyết định về vấn đề này. Yêu cầu đó phải được thông báo tới Bên bị kiện và sao gửi Ủy ban Thương mại. Bên khởi kiện trong văn bản yêu cầu của mình phải chỉ ra biện pháp cụ thể đang tranh chấp, và giải thích các biện pháp đó không nhất quán với các quy định nêu tại Điều 15.2 (Phạm vi) như thế nào một cách đầy đủ để làm rõ cơ sở pháp lý của việc khiếu nại.

3. Hội đồng trọng tài phải thông báo phán quyết của mình tới các Bên và Ủy ban Thương mại trong vòng 45 ngày kể từ ngày đệ trình yêu cầu theo quy định tại khoản 2.

ĐIỀU 15.15

Biện pháp khắc phục tạm thời trong trường hợp không tuân thủ

1. Trường hợp Bên bị kiện không thông báo cho Bên khởi kiện và Ủy ban Thương mại về các biện pháp được thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng trước khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý, hoặc trường hợp hội đồng trọng tài phán quyết rằng không có biện pháp nào được thực hiện để tuân thủ theo báo cáo đó hoặc biện pháp đã được thông báo theo khoản 1 của Điều 15.14 (Rà soát các biện pháp đã thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng) không phù hợp với các nghĩa vụ của Bên bị kiện theo quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi), Bên bị kiện phải, nếu có yêu cầu của Bên khởi kiện và sau khi tham vấn với Bên khởi kiện, đưa ra một đề nghị về việc bồi thường.

2. Trường hợp Bên khởi kiện quyết định không yêu cầu một đề nghị về bồi thường, hoặc trường hợp yêu cầu đó được đưa ra, nếu các Bên không thỏa thuận được việc bồi thường trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc khoảng thời gian hợp lý hoặc từ khi các phán quyết của hội đồng trọng tài theo quy định tại Điều 15.14 (Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ Báo cáo Cuối cùng) chỉ ra không có biện pháp nào được thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng hoặc biện pháp đã thực hiện không phù hợp với các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi), thì Bên khởi kiện có quyền phép, bằng việc thông báo tới Bên còn lại và tới Ủy ban Thương mại, tạm ngừng các nghĩa vụ phát sinh từ các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi) ở mức độ tương đương với mức độ vi phạm hoặc mức độ thiệt hại. Việc thông báo sẽ chỉ rõ mức độ tạm ngừng các nghĩa vụ. Bên khởi kiện có thể thực hiện việc tạm ngừng bất cứ lúc nào sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bên bị kiện nhận được thông báo, trừ trường hợp Bên bị kiện đã gửi yêu cầu lên trọng tài theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Trường hợp Bên bị kiện xét thấy mức độ tạm ngừng các nghĩa vụ là không phù hợp với mức độ vi phạm hoặc mức độ thiệt hại, Bên bị kiện có thể gửi yêu cầu bằng văn bản tới hội đồng trọng tài ban đầu để đưa ra phán quyết về vấn đề này. Yêu cầu đó sẽ được thông báo tới Bên khởi kiện và sao gửi Ủy ban Thương mại trước khi kết thúc thời hạn 10 ngày được quy định tại khoản 2. Hội đồng trọng tài ban đầu sẽ thông báo phán quyết về mức độ tạm ngừng các nghĩa vụ tới các Bên và Ủy ban Thương mại trong vòng 30 ngày kể từ ngày yêu cầu được đệ trình. Các nghĩa vụ phải không được tạm ngừng cho đến khi hội đồng trọng tài ban đầu thông báo về phán quyết của mình, và bất cứ việc tạm ngừng nào cũng phải phù hợp với phán quyết đó.

4. Việc tạm ngừng các nghĩa vụ và việc bồi thường là tạm thời và không được áp dụng sau khi:

(a) các Bên đã đạt được giải pháp đồng thuận theo Điều 15.19 (Giải pháp Đồng thuận); hoặc

(b) các Bên đồng ý rằng biện pháp được thông báo theo khoản 1 Điều 15.14 (Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để tuân thủ Báo cáo Cuối cùng) giúp Bên bị kiện tuân thủ các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi); hoặc

(c) bất kỳ biện pháp nào được chỉ ra rằng không phù hợp với các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi) đã được loại bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các quy định đó, như phán quyết được đưa ra theo quy định tại khoản 3 Điều 15.14 (Rà soát các Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ báo cáo cuối cùng).

ĐIỀU 15.16

Rà soát Biện pháp đã Thực hiện để Tuân thủ Sau khi Thông qua các Biện pháp khắc phục Tạm thời đối với việc không Tuân thủ

1. Bên bị kiện phải thông báo cho Bên khởi kiện và Ủy ban Thương mại về các biện pháp đã thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài sau khi tạm ngừng các nghĩa vụ hoặc sau khi áp dụng việc bồi thường, tùy từng trường hợp cụ thể. Ngoại trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2, Bên khởi kiện phải chấm dứt việc tạm ngừng các nghĩa vụ trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trong trường hợp việc bồi thường đã được áp dụng, và trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, Bên bị kiện có thể chấm dứt việc áp dụng biện pháp bồi thường đó trong vòng 30 ngày kể từ khi Bên bị kiện thông báo đã tuân thủ theo báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài.

2. Trường hợp các Bên không đạt được thỏa thuận rằng liệu các biện pháp được thông báo có giúp Bên bị kiện tuân thủ các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi) hay không, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Bên khởi kiện phải gửi yêu cầu bằng văn bản tới hội đồng trọng tài ban đầu để đưa ra phán quyết về vấn đề đó. Yêu cầu đó phải được thông báo tới Bên bị kiện và sao gửi Ủy ban Thương mại.

3. Phán quyết của hội đồng trọng tài phải được thông báo tới các Bên và Ủy ban Thương mại trong vòng 45 ngày kể từ ngày yêu cầu đó được đệ trình. Trường hợp hội đồng trọng tài phán quyết rằng các biện pháp đã được thông báo tuân thủ các quy định tại Điều 15.2 (Phạm vi), việc tạm ngừng các nghĩa vụ hoặc bồi thường, tùy từng trường hợp cụ thể, sẽ được chấm dứt. Trường hợp có liên quan, mức độ tạm ngừng các nghĩa vụ hoặc bồi thường sẽ được tính toán phù hợp dựa trên phán quyết của hội đồng trọng tài.

TIỂU MỤC 3

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 15.17

Thay thế Trọng tài viên

Trường hợp trong quy trình tố tụng trọng tài, hội đồng trọng tài ban đầu, hoặc một trong số các trọng tài viên không thể tham gia, từ bỏ, hoặc cần phải được thay thế do thành viên đó không tuân thủ theo các yêu cầu của Quy tắc ng xử tại Phụ lục 15-B (Quy tắc Ứng xử của Trọng tài viên và Hòa giải viên), các thủ tục quy định tại Điều 15.7 (Thành lập Hội đồng Trọng tài) sẽ được áp dụng. Thời hạn của việc thông báo về các báo cáo và phán quyết, tùy từng trường hợp cụ thể, sẽ được kéo dài thêm 20 ngày.

ĐIỀU 15.18

Tạm ngừng và Chấm dứt Quy trình Tố tụng Trọng tài

1. Theo yêu cầu của cả hai Bên, hội đồng trọng tài phải tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian mà các Bên thỏa thuận, nhưng không quá 12 tháng liên tiếp. Hội đồng trọng tài phải tiếp tục công việc trước khi kết thúc thời hạn tạm ngừng khi có yêu cầu bằng văn bản của cả hai Bên. Các Bên cũng sẽ đồng thời thông báo tới Ủy ban Thương mại về yêu cầu đó. Hội đồng trọng tài cũng có thể tiếp tục công việc tại thời điểm kết thúc thời hạn tạm ngừng khi có yêu cầu bằng văn bản của một trong các Bên. Bên gửi yêu cầu này cũng phải đồng thời thông báo cho Ủy ban Thương mại và Bên còn lại. Trường hợp một Bên không yêu cầu hội đồng trọng tài hoạt động lại vào thời điểm kết thúc thời hạn tạm ngừng, thẩm quyền của hội đồng trọng tài sẽ tạm ngừng và quy trình tố tụng sẽ chấm dứt. Trong trường hợp tạm ngừng hoạt động của hội đồng trọng tài, khoảng thời gian quy định tại các điều khoản liên quan của Chương này phải được gia hạn thêm bằng thời gian mà hoạt động của hội đồng trọng tài bị tạm ngừng. Việc tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của hội đồng trọng tài không ảnh hưởng tới quyền của các Bên trong các quy trình tố tụng tiếp theo liên quan đến Điều 15.24 (Lựa chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp).

2. Các Bên có thể thỏa thuận để chấm dứt quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài bằng việc cùng thông báo cho chủ tịch hội đồng trọng tài và Ủy ban Thương mại tại bất kỳ thời điểm nào trước khi đưa ra báo cáo cuối cùng của hội đồng trọng tài.

ĐIỀU 15.19

Giải pháp Đồng thuận

Các Bên có thể đạt được một giải pháp đồng thuận về tranh chấp theo quy định của Chương này bất cứ lúc nào. Các Bên phải cùng nhau gửi thông báo về giải pháp này tới Ủy ban Thương mại và chủ tịch hội đồng trọng tài, nếu phù hợp. Trường hợp giải pháp này đòi hỏi phải phê chuẩn theo quy định trong nước liên quan của một trong các Bên, thông báo về giải pháp đó sẽ đề cập đến yêu cầu này và thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ bị tạm ngừng. Trường hợp giải pháp đó không cần thiết phải phê chuẩn, hoặc trường hợp có thông báo việc đã hoàn thành các thủ tục trong nước, thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ được kết thúc.

ĐIỀU 15.20

Thông tin và Tư vấn kỹ thuật

Khi có yêu cầu của một Bên hoặc theo sáng kiến của hội đồng trọng tài, hội đồng trọng tài có thể yêu cầu cung cấp thêm thông tin được cho là cần thiết đối với quy trình tố tụng từ bất kỳ nguồn nào, bao gồm cả các Bên liên quan đến tranh chấp. Hội đồng trọng tài cũng có quyền tham vấn ý kiến chuyên gia, nếu xét thấy cần thiết. Hội đồng trọng tài phải tham vấn các Bên trước khi chọn các chuyên gia để xin ý kiến. Các thông tin thu được theo quy định tại Điều này phải được công bố và gửi cho các Bên để lấy ý kiến trong khoảng thời gian quy định bởi hội đồng trọng tài.

ĐIỀU 15.21

Các quy tắc diễn giải

Hội đồng trọng tài phải diễn giải các quy định được đề cập tại Điều 15.2 (Phạm vi) phù hợp với các quy tắc tập quán trong việc diễn giải công pháp quốc tế, bao gồm cả các quy tắc được pháp điển hóa trong Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế, ký tại Viên ngày 23 tháng 5 năm 1969. Hội đồng trọng tài cũng phải xem xét các diễn giải liên quan tại các báo cáo của các hội đồng và Cơ quan phúc thẩm được thông qua bởi Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO theo Phụ lục 2 của Hiệp định WTO. Các báo cáo và phán quyết của hội đồng trọng tài không được làm phát sinh thêm hoặc giảm bớt quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong Hiệp định này.

ĐIỀU 15.22

Quyết định và Phán quyết của Hội đồng trọng tài

1. Hội đồng trọng tài phải nỗ lực để đưa ra các quyết định theo nguyên tắc đồng thuận. Trong trường hợp một quyết định không thể thông qua theo nguyên tắc đồng thuận, quyết định đó sẽ được thông qua theo nguyên tắc bỏ phiếu lấy đa số. Trong mọi trường hợp, ý kiến phản đối của các trọng tài viên sẽ không được công bố.

2. Các báo cáo và phán quyết của hội đồng trọng tài phải được các Bên chấp thuận vô điều kiện. Các báo cáo và phán quyết này phải không tạo ra bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào đối với các thể nhân hoặc pháp nhân. Các báo cáo và phán quyết phải đưa ra kết luận về các tình tiết thực tế, khả năng áp dụng các quy định liên quan theo Điều 15.2 (Phạm vi) và cơ sở lý luận của các phán quyết và kết luận đó. Ủy ban Thương mại phải công bố công khai toàn bộ các báo cáo và phán quyết của hội đồng trọng tài trong vòng 10 ngày kể từ ngày đưa ra báo cáo, trừ trường hợp Ủy ban Thương mại quyết định không công bố công khai để bảo vệ các thông tin mật.

MỤC D

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

ĐIỀU 15.23

Danh sách Trọng tài viên

1. Không muộn hơn sáu tháng sau khi Hiệp định này có hiệu lực, Ủy ban Thương mại phải lập một danh sách có ít nhất 15 cá nhân sẵn sàng và có khả năng để làm trọng tài viên. Danh sách này bao gồm ba danh sách phụ:

(a) một danh sách của Liên minh;

(b) một danh sách của Việt Nam; và

(c) một danh sách các cá nhân không phải công dân của các Bên và không có hộ khẩu thường trú tại các Bên để chọn làm chủ tịch của hội đồng trọng tài.

2. Mỗi danh sách phụ trên phải bao gồm ít nhất năm cá nhân. Ủy ban Thương mại phải đảm bảo duy trì số người tối thiểu trong các danh sách ở mức độ này.

3. Các trọng tài viên phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về luật và thương mại quốc tế. Các trọng tài viên phải độc lập, làm đúng vị trí của mình và không nhận chỉ đạo từ bất kỳ tổ chức hoặc chính phủ nào, hoặc không liên quan đến chính phủ của các Bên, và phải tuân thủ Quy tắc ứng xử tại Phụ lục 15-B (Quy tắc Ứng xử của trọng tài viên và Hòa giải viên).

4. Ủy ban Thương mại có thể lập một danh sách bổ sung với 10 cá nhân có kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực cụ thể được quy định tại Hiệp định này. Tùy thuộc vào thỏa thuận của các Bên, danh sách bổ sung đó phải được sử dụng cho việc thành lập hội đồng trọng tài theo các thủ tục quy định tại Điều 15.7 (Thành lập Hội đồng Trọng tài).

ĐIỀU 15.24

Lựa chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp

1. Việc viện dẫn các quy định về giải quyết tranh chấp theo Chương này sẽ không làm ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động nào trong khuôn khổ WTO, bao gồm cả hoạt động giải quyết tranh chấp, hoặc bất cứ hiệp định quốc tế nào khác mà cả hai Bên cùng là thành viên.

2. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, một Bên không được, bằng một biện pháp cụ thể, đòi bồi thường vì vi phạm nghĩa vụ tương đương đáng kể theo Hiệp định này và Hiệp định WTO hoặc các hiệp định quốc tế khác mà cả hai Bên cùng là thành viên trong các diễn đàn liên quan. Khi quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp đã được khởi động, Bên này sẽ không được đòi bồi thường vì vi phạm nghĩa vụ tương đương đáng kể tại các diễn đàn khác trong khuôn khổ các hiệp định khác, trừ trường hợp diễn đàn được lựa chọn đầu tiên vì lý do thủ tục và thẩm quyền không đưa ra được các kết luận về việc khiếu kiện đòi bồi thường đối với nghĩa vụ đó.

3. Trong phạm vi Điều này:

(a) quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo Hiệp định WTO được xem là khởi động bởi yêu cầu của một Bên đối với việc thành lập ban hội thẩm theo Điều 6 của Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc Giải quyết Tranh chấp của WTO;

(b) quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo Chương này được xem là khởi động bởi yêu cầu của một Bên đối với việc thành lập một hội đồng trọng tài theo theo khoản 1 Điều 15.5 (Khởi động Thủ tục Trọng tài);

(c) quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp theo bất cứ hiệp định quốc tế nào khác được xem là khởi động trên cơ sở quy định tại hiệp định đó.

4. Hiệp định này không ngăn cản một Bên thực hiện việc tạm ngừng các nghĩa vụ được cho phép bởi Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO. Hiệp định WTO sẽ không được viện dẫn để ngăn cản một Bên tạm ngừng các nghĩa vụ theo quy định của Chương này.

ĐIỀU 15.25

Thời hạn

1. Mọi thời hạn quy định tại Chương này, bao gồm cả thời hạn cho việc hội đồng trọng tài thông báo các báo cáo và phán quyết, phải được tính theo ngày dương lịch kể từ ngày tiếp theo hoạt động hoặc tiếp theo sự việc thực tế mà thời hạn đó đề cập tới, trừ trường hợp có quy định khác.

2. Bất cứ thời hạn nào được đề cập tại Chương này đều có thể được các Bên tranh chấp thống nhất điều chỉnh. Bất cứ lúc nào, hội đồng trọng tài có thể đề xuất các Bên điều chỉnh bất kỳ thời hạn nào được đề cập tại Chương này, đồng thời nêu rõ lý do của đề xuất đó.

ĐIỀU 15.26

Rà soát và Sửa đổi

Ủy ban Thương mại có thể quyết định rà soát và sửa đổi các Phụ lục 15-A (Quy tắc tố tụng trọng tài), 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên), và 15-C (Cơ chế hòa giải).

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,590

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]