Bản dịch này thuộc bản quyền THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Bạn được khai thác sử dụng cho công việc của riêng mình, nhưng không được sao chép, đăng lại trên bất cứ phương tiện nào.

Toàn văn Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA

CHƯƠNG 6

CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT

ĐIỀU 6.1

Phạm vi

1. Chương này áp dụng cho việc xây dựng, thông qua và áp dụng tất cả các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (sau đây gọi là “SPS”) của một Bên mà có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên.

2. Chương này không làm ảnh hưởng tới quyền của các Bên theo Chương 5 (Hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại) đối với các biện pháp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương này.

ĐIỀU 6.2

Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này là:

(a) tăng cường thực thi hiệu quả các nguyên tắc và quy tắc được nêu trong Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế được xây dựng bởi các tổ chức quốc tế có liên quan;

(b) bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ của mỗi Bên trong khi tạo thuận lợi cho thương mại giữa các Bên, và bảo đảm rằng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật được thực hiện bởi mỗi Bên không gây ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại;

(c) tăng cường thông tin, hợp tác và giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật có tác động đến thương mại giữa các Bên và các vấn đề về lợi ích chung của các Bên; và

(d) tăng cường tính minh bạch và sự hiểu biết về việc áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của mỗi Bên.

ĐIỀU 6.3

Định nghĩa

1. Vì mục tiêu của Chương này:

(a) các định nghĩa được nêu tại Phụ lục A, Hiệp định SPS sẽ được áp dụng;

(b) “các cơ quan có thẩm quyền” nghĩa là các tổ chức của mỗi Bên chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và quản lý các biện pháp SPS trong lãnh thổ của mình; và

(c) “Ủy ban SPS” có nghĩa là Ủy ban về các Biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nêu tại Điều 6.11 (Ủy ban an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật) được thành lập theo Điều 17.2 (Các Ủy ban chuyên trách).

2. Các Bên có thể thống nhất các định nghĩa khác để áp dụng Chương này, có tính đến các chú giải và định nghĩa của các tổ chức quốc tế có liên quan như Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (sau đây gọi là “CODEX”), Tổ chức Thú y Thế giới (sau đây gọi là “OIE”) và Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (sau đây gọi là “IPPC”).

ĐIỀU 6.4

Quy định chung

1. Các Bên khẳng định các quyền và nghĩa vụ hiện tại của mình đối với Bên kia theo Hiệp định SPS.

2. Mỗi Bên cam kết áp dụng Hiệp định SPS trong quá trình xây dựng, áp dụng hoặc công nhận bất kỳ biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nào nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các Bên trong khi bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ của Bên đó.

ĐIỀU 6.5

Cơ quan chức năng và đầu mối liên hệ

1. Để bảo đảm mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các Bên nhằm đạt được mục tiêu của Chương này, các cơ quan chức năng như sau:

(a) trong trường hợp của Việt Nam, trách nhiệm quản lý các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật được phân công giữa các cơ quan của chính phủ như sau:

(i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoặc cơ quan dưới quyền, chịu trách nhiệm về sức khỏe động, thực vật; Bộ chịu trách nhiệm giám sát và kiểm soát các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện của các dịch bệnh có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và động vật, và cũng chịu trách nhiệm tiến hành và quản lý một chương trình toàn diện để kiểm soát và ngăn ngừa việc xâm nhập của sâu bệnh có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thực vật và nền kinh tế; và đối với các sản phẩm động vật và thực vật xuất khẩu, Bộ cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận đảm bảo đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn của Liên minh; và

(ii) Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương, hoặc cơ quan dưới quyền, theo chức năng nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho người sử dụng; đối với việc nhập khẩu thực phẩm, các cơ quan này chịu trách nhiệm giám sát và kiểm soát, bao gồm việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục phê duyệt cấp quốc gia, tiến hành quy trình đánh giá rủi ro của sản phẩm, kiểm tra các cơ sở để đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu và tiêu chuẩn đã được thống nhất của Việt nam; đối với việc xuất khẩu thực phẩm, các Bộ cũng chịu trách nhiệm kiểm tra và cấp chứng nhận y tế;

(b) trong trường hợp của Liên minh Châu Âu, trách nhiệm này được giao cho cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên và Ủy ban Châu Âu như sau:

(i) về việc xuất khẩu sang Việt Nam, các quốc gia thành viên sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát các điều kiện và yêu cầu sản xuất, bao gồm việc thanh tra theo luật và cấp chứng nhận y tế và phúc lợi động vật để đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu và tiêu chuẩn của Việt Nam;

(ii) về việc nhập khẩu từ Việt Nam, các quốc gia thành viên sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát việc nhập khẩu tuân thủ các điều kiện nhập khẩu của Liên minh Châu Âu;

(iii) Ủy ban Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm chung về điều phối, thanh tra và kiểm soát hệ thống thanh tra và các hành động pháp lý cần thiết để đảm bảo việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nội địa Liên minh Châu Âu.

2. Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, các cơ quan chức năng của mỗi Bên sẽ cung cấp cho nhau đầu mối liên hệ để trao đổi thông tin về tất cả các vấn đề phát sinh trong Chương này. Các chức năng của đầu mối liên hệ sẽ bao gồm:

(a) tăng cường liên lạc giữa các cơ quan và Bộ của các Bên chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật; và

(b) tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật và thủ tục pháp lý của mỗi Bên có liên quan đến các biện pháp này cũng như tác động lên thương mại hàng hóa giữa các Bên.

3. Các Bên sẽ bảo đảm thông tin cung cấp tại các khoản 1 và 2 là thông tin được cập nhật tại thời điểm trao đổi.

ĐIỀU 6.6

Thủ tục và yêu cầu nhập khẩu

1. Yêu cầu chung về nhập khẩu của một Bên sẽ áp dụng đối với toàn bộ lãnh thổ của Bên xuất khẩu, không ảnh hưởng đến khả năng của Bên nhập khẩu trong việc ra quyết định và áp dụng các biện pháp theo các tiêu chuẩn được nêu tại Điều 6.9 (Các biện pháp liên quan đến sức khỏe động vật và thực vật).

2. Mỗi Bên sẽ chỉ áp dụng các biện pháp được chứng minh khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan và ít hạn chế nhất có sẵn, và gây trở ngại tối thiểu cho thương mại.

3. Bên nhập khẩu sẽ đảm bảo các yêu cầu và thủ tục nhập khẩu được áp dụng một cách công bằng và không phân biệt đối xử.

4. Các thủ tục nhập khẩu phải nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực tới thương mại và đẩy nhanh quy trình thông quan trong khi vẫn đảm bảo các yêu cầu và thủ tục của Bên nhập khẩu.

5. Bên nhập khẩu phải đảm bảo tính minh bạch hoàn toàn đối với các quy trình và thủ tục nhập khẩu của mình.

6. Bên xuất khẩu phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu của Bên nhập khẩu.

7. Mỗi Bên sẽ thiết lập và cập nhật danh sách các loại sâu bệnh được kiểm soát, sử dụng các tên gọi khoa học và cung cấp các danh sách này cho Bên kia.

8. Các yêu cầu kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu sẽ bị giới hạn ở các biện pháp đảm bảo tôn trọng mức độ bảo vệ phù hợp của Bên nhập khẩu, và chỉ đối với sâu bệnh được kiểm soát mà Bên nhập khẩu quan ngại. Không ảnh hưởng đến các quy định tại Điều 6 của IPPC, một Bên sẽ không áp dụng hoặc duy trì các biện pháp kiểm dịch đối với các sâu bệnh không bị kiểm soát.

9. Việc phân tích rủi ro sâu bệnh sẽ được thực hiện không chậm trễ sau khi có yêu cầu ban đầu của nước xuất khẩu. Trong trường hợp khó khăn, các Bên sẽ thống nhất trong Ủy ban SPS về lịch trình để tiến hành thủ tục đánh giá rủi ro.

10. Bên nhập khẩu sẽ có quyền thực hiện kiểm tra nhập khẩu trên cơ sở rủi ro về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật liên quan đến nhập khẩu. Việc kiểm tra này sẽ được thực hiện không chậm trễ và giảm thiểu tác động gián đoạn về thương mại. Khi sản phẩm không tuân theo các yêu cầu của Bên nhập khẩu, bất cứ hành động nào của Bên nhập khẩu sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và cân đối với rủi ro từ sản phẩm đó.

11. Bên nhập khẩu sẽ cung cấp thông tin về tần suất kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với hàng hóa. Tần suất này có thể được thay đổi dựa vào kết quả của việc xác minh, kiểm tra nhập khẩu hoặc do thống nhất giữa các Bên.

12. Bất kỳ loại phí nào áp dụng cho các thủ tục liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa theo Chương này sẽ công bằng với các khoản phí áp dụng cho các sản phẩm nội địa tương tự và sẽ không cao hơn chi phí dịch vụ thực tế.

ĐIỀU 6.7

Xác minh

1. Để đạt được hoặc duy trì sự tin tưởng vào việc thực thi hiệu quả Chương này, Bên nhập khẩu có quyền tiến hành việc xác minh, bao gồm:

(a) tiến hành các chuyến làm việc xác minh tại nước xuất khẩu để xác minh tất cả hoặc một phần hệ thống kiểm soát của bên xuất khẩu, theo các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế có liên quan của Codex, OIE và IPPC; chi phí của các chuyến làm việc này sẽ do Bên tiến hành xác minh chịu; và

(b) yêu cầu thông tin từ bên xuất khẩu về hệ thống kiểm soát và kết quả của việc kiểm soát được thực hiện theo hệ thống đó.

2. Mỗi Bên sẽ cung cấp cho Bên kia kết quả và kết luận của việc xác minh được tiến hành tại lãnh thổ của Bên kia.

3. Nếu Bên nhập khẩu quyết định thực hiện chuyến làm việc xác minh tại Bên xuất khẩu, Bên đó phải thông báo cho Bên xuất khẩu ít nhất 60 ngày làm việc trước chuyến đi, ngoại trừ có thỏa thuận khác. Bất kỳ thay đổi nào về chuyến làm việc này cũng phải được các Bên thống nhất.

4. Bên nhập khẩu phải gửi báo cáo dự thảo xác minh cho Bên xuất khẩu trong vòng 45 ngày làm việc sau khi hoàn tất việc xác minh. Bên xuất khẩu sẽ có 30 ngày làm việc để góp ý cho báo cáo dự thảo. Góp ý của Bên xuất khẩu sẽ được đính kèm và trong trường hợp có thể, bao gồm trong báo cáo cuối cùng. Tuy nhiên, nếu trong quá trình xác minh Bên nhập khẩu phát hiện ra rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật, Bên đó phải thông báo cho Bên xuất khẩu sớm nhất có thể và trong bất cứ trường hợp nào, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc xác minh.

ĐIỀU 6.8

Thủ tục lập danh sách các cơ sở

1. Khi nhận được yêu cầu của Bên nhập khẩu, Bên xuất khẩu sẽ thông báo cho Bên nhập khẩu danh sách các cơ sở tuân thủ các yêu cầu của Bên nhập khẩu để phê duyệt và để đảm bảo thỏa mãn các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm được đưa ra theo Phụ lục 6 (Yêu cầu và quy trình phê duyệt các cơ sở về sản phẩm).

2. Khi nhận được yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu sẽ phê duyệt trong vòng 45 ngày danh sách các cơ sở theo như khoản 1 mà không cần thẩm tra trước từng cơ sở.

3. Nếu Bên nhập khẩu yêu cầu thông tin bổ sung, thời hạn nêu trong khoản 2 sẽ được gia hạn tối đa thêm 30 ngày làm việc. Sau khi phê duyệt danh sách các cơ sở, Bên nhập khẩu sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết, tuân thủ theo đúng quy trình luật pháp được áp dụng, để cho phép nhập khẩu sản phẩm đó.

4. Nếu Bên nhập khẩu từ chối yêu cầu phê duyệt, Bên đó phải thông báo ngay cho Bên xuất khẩu về các lý do của việc từ chối.

ĐIỀU 6.9

Các biện pháp liên quan đến sức khỏe động vật và thực vật

1. Các Bên thừa nhận khái niệm khu vực phi dịch bệnh, khu vực có mức dịch bệnh thấp và khoanh vùng theo Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị của OIE. Các Bên cũng thừa nhận tình trạng về sức khỏe động vật do OIE xác định.

2. Các Bên thừa nhận khái niệm khu vực phi sâu bệnh, khu vực có mức sâu bệnh thấp, khu vực được bảo vệ và vùng sản xuất không có sâu bệnh theo Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị của IPPC.

3. Các Bên sẽ xem xét các yếu tố như khu vực địa lý, hệ sinh thái, kiểm soát dịch tễ và hiệu quả của việc kiểm soát an toàn thực phẩm hoặc kiểm dịch động, thực vật.

4. Ủy ban SPS sẽ xác định chi tiết hơn thủ tục thừa nhận các khái niệm được nêu tại các khoản 1 và 2, có lưu ý Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị của OIE và IPPC.

5. Khi Bên nhập khẩu đánh giá về việc tự xác định tình trạng sức khỏe động, thực vật do Bên xuất khẩu tiến hành, Bên nhập khẩu, về nguyên tắc, sẽ đánh giá toàn bộ hoặc một phần tình trạng sức khỏe của động, thực vật của Bên xuất khẩu dựa trên thông tin do Bên xuất khẩu cung cấp theo Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị của OIE và IPPC. Bên nhập khẩu sẽ nỗ lực đưa ra quyết định ngay sau khi có yêu cầu đánh giá.

6. Nếu Bên nhập khẩu không công nhận việc tự xác định tình trạng sức khỏe động, thực vật của Bên xuất khẩu, Bên đó sẽ giải thích lý do và, theo yêu cầu của Bên xuất khẩu, tham gia tham vấn sớm nhất có thể để đạt được một giải pháp thay thế.

7. Bên xuất khẩu sẽ cung cấp bằng chứng liên quan nhằm chứng minh một cách khách quan cho Bên nhập khẩu rằng tình trạng sức khỏe động, thực vật của các khu vực đó có khả năng không thay đổi. Vì mục tiêu này, Bên xuất khẩu sẽ, khi có yêu cầu của Bên nhập khẩu, tạo điều kiện hợp lý để Bên nhập khẩu tiến hành thẩm tra, thử nghiệm và các thủ tục khác có liên quan.

ĐIỀU 6.10

Tương đương

1. Các Bên công nhận rằng việc áp dụng nguyên tắc tương đương như được nêu tại Điều 4 của Hiệp định SPS là một công cụ quan trọng để tạo thuận lợi thương mại và có lợi ích đối với cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu.

2. Nguyên tắc tương đương có thể được chấp thuận cho một biện pháp SPS cụ thể hoặc các biện pháp SPS liên quan đến một sản phẩm hoặc nhóm các sản phẩm nhất định, hoặc áp dụng cho toàn bộ hệ thống.

3. Bên nhập khẩu sẽ chấp nhận các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của Bên xuất khẩu là tương đương nếu Bên xuất khẩu chứng minh một cách khách quan rằng các biện pháp của mình đạt được mức bảo vệ an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật phù hợp của Bên nhập khẩu. Nhằm thúc đẩy việc xác định sự tương đương, Bên nhập khẩu sẽ, theo yêu cầu, giải thích mục đích của bất cứ biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật nào cho Bên xuất khẩu.

4. Trong vòng ba tháng kể từ khi nhận được yêu cầu của Bên xuất khẩu, các Bên sẽ tổ chức tham vấn nhằm xác định sự tương đương của các biện pháp và hệ thống an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

5. Bên nhập khẩu sẽ xác định sự tương đương ngay sau khi Bên xuất khẩu đã trình bày sự tương đương của biện pháp và hệ thống an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật được đề xuất.

6. Bên nhập khẩu sẽ đẩy nhanh việc xác định sự tương đương đặc biệt đối với các sản phẩm đã từng nhập khẩu từ Bên xuất khẩu.

7. Trong trường hợp có nhiều yêu cầu từ Bên xuất khẩu, các Bên sẽ nhất trí trong Ủy ban SPS về thời gian khởi động quy trình.

8. Theo Điều 9 của Hiệp định SPS, Bên nhập khẩu sẽ xem xét đầy đủ các yêu cầu của Bên xuất khẩu về hỗ trợ kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện Điều này. Ngoài những hình thức khác, sự hỗ trợ này có thể là nhằm xác định và thực hiện các biện pháp có thể được công nhận là tương đương hoặc để tăng cường tiếp cận thị trường.

9. Việc xem xét của Bên nhập khẩu đối với yêu cầu của bên xuất khẩu về công nhận tương đương các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật liên quan đến một sản phẩm cụ thể sẽ không phải là lý do để làm đình trệ hoặc ngưng các hoạt động nhập khẩu đang diễn ra đối với sản phẩm đó. Khi Bên nhập khẩu đã xác định sự tương đương, các Bên sẽ ghi nhận chính thức và áp dụng ngay không chậm trễ đối với thương mại giữa hai Bên trong khu vực liên quan.

ĐIỀU 6.11

Ủy ban an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật

1. Ủy ban SPS được thành lập theo Điều khoản 17.2 (Các Ủy ban chuyên trách) sẽ bao gồm đại diện các cơ quan chức năng của các Bên. Tất cả các quyết định của Ủy ban SPS sẽ dựa trên cơ sở đồng thuận.

2. Ủy ban SPS sẽ họp mặt trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Sau đó, Ủy ban sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần hoặc theo thời gian do các Bên nhất trí. Ủy ban sẽ thiết lập quy trình thủ tục tại cuộc họp đầu tiên. Ủy ban sẽ họp mặt trực tiếp, qua điện thoại, video hoặc các hình thức khác do các Bên cùng thống nhất.

3. Ủy ban SPS có thể đề xuất lên Ủy ban Thương mại thành lập các nhóm công tác để xác định và xử lý các vấn đề kỹ thuật và khoa học phát sinh từ Chương này và tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp các về các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật mà hai Bên cùng quan tâm.

4. Ủy ban SPS có thể xử lý bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc thực thi hiệu quả Chương này, bao gồm tạo thuận lợi cho việc liên lạc và tăng cường hợp tác giữa các Bên. Cụ thể, Ủy ban sẽ có những chức năng và nhiệm vụ sau:

(a) thiết lập các thủ tục hoặc sắp xếp cần thiết để thực hiện Chương này;

 (b) giám sát tiến độ thực hiện Chương này;

(c) tạo một diễn đàn để thảo luận các vấn đề phát sinh từ việc áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nhất định nhằm đạt được các giải pháp hai Bên có thể chấp nhận được và nhanh chóng xử lý bất kỳ vấn đề nào có thể tạo những trở ngại không cần thiết cho thương mại giữa các Bên;

(d) là một diễn đàn trao đổi thông tin, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;

(e) xác định, khởi động và rà soát các dự án và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giữa các Bên; và

(f) bất cứ chức năng nào khác do các Bên cùng thống nhất.

5. Theo quyết định của Ủy ban SPS, các Bên có thể thông qua các khuyến nghị và quyết định liên quan đến thẩm quyền nhập khẩu, trao đổi thông tin, tính minh bạch, công nhận khu vực hóa, tính tương đương và các biện pháp thay thế, và bất cứ vấn đề nào khác được nêu tại Điều này.

ĐIỀU 6.12

Minh bạch và trao đổi thông tin

1. Các Bên sẽ:

(a) đảm bảo tính minh bạch đối với các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật áp dụng cho thương mại giữa hai Bên;

(b) tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mỗi Bên và việc áp dụng các biện pháp này;

(c) trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến xây dựng và áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm sự tiến triển về bằng chứng khoa học mới sẵn có, có ảnh hưởng, hoặc có thể ảnh hưởng, tới thương mại giữa các Bên nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với thương mại;

(d) theo yêu cầu của một Bên, trao đổi về yêu cầu nhập khẩu áp dụng cho việc nhập khẩu một sản phẩm cụ thể trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu; và

(e) theo yêu cầu của một Bên, cập nhật về tiến triển trong việc xử lý hồ sơ để cấp phép cho một sản phẩm cụ thể trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu.

2. Khi một Bên cung cấp thông tin thông qua thông báo tới WTO theo thủ tục và quy trình liên quan hoặc bằng việc công bố trên các trang điện tử chính thức và miễn phí tiếp cận của các Bên, việc trao đổi thông tin theo các điểm 1(c) đến 1(e) sẽ không bắt buộc.

3. Tất cả các thông báo theo Chương này sẽ được gửi tới đầu mối liên hệ được nêu tại Điều 6.5 (Cơ quan chức năng và đầu mối liên hệ).

ĐIỀU 6.13

Tham vấn

1. Khi một Bên xem xét thấy việc một biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tác động đến thương mại song phương cần phải thảo luận thêm, Bên đó có thể, thông qua đầu mối liên hệ theo Điều 6.5 (Cơ quan chức năng và đầu mối liên hệ), yêu cầu giải thích đầy đủ và nếu cần thiết, yêu cầu tham vấn về biện pháp đó. Bên kia phải nhanh chóng trả lời yêu cầu.

2. Các Bên sẽ nỗ lực hết sức để đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được thông qua tham vấn trong khoảng thời gian mà hai Bên thống nhất. Nếu việc tham vấn không giải quyết được vấn đề thì sẽ được xem xét bởi Ủy ban SPS.

ĐIỀU 6.14

Các biện pháp khẩn cấp

1. Mỗi Bên sẽ thông báo bằng văn bản tới Bên kia trong vòng hai ngày làm việc khi phát hiện bất cứ rủi ro nghiêm trọng hoặc quan trọng nào liên quan đến sức khỏe hoặc tính mạng con người, động vật hoặc thực vật, bao gồm bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về thực phẩm, ảnh hưởng tới hàng hóa đang giao dịch giữa hai Bên.

2. Khi một Bên có quan ngại nghiêm trọng về rủi ro cho sức khỏe hoặc tính mạng con người, động vật hoặc thực vật, ảnh hưởng tới hàng hóa đang có giao dịch giữa hai Bên, Bên đó có thể yêu cầu tổ chức tham vấn theo Điều 6.13 (Tham vấn). Buổi tham vấn sẽ diễn ra sớm nhất có thể. Mỗi Bên sẽ nỗ lực cung cấp tất cả các thông tin cần thiết trong khoảng thời gian hợp lý để tránh đình trệ về thương mại.

3. Bên nhập khẩu có thể thực hiện các biện pháp cần thiết, mà không thông báo trước, để bảo vệ sức khỏe hoặc tính mạng con người, động vật hoặc thực vật. Đối với các lô hàng đang trong quá trình vận chuyển giữa các Bên, Bên nhập khẩu sẽ xem xét giải pháp thích hợp và công bằng nhất để tránh đình trệ không cần thiết về thương mại.

4. Bên đưa ra các biện pháp phải thông báo cho Bên kia sớm nhất có thể và trong bất cứ trường hợp nào, không chậm hơn hai mươi tư (24) giờ sau khi thông qua biện pháp. Mỗi Bên có thể yêu cầu thông tin bất kỳ liên quan đến tình trạng an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật và bất cứ biện pháp nào được thông qua. Bên kia sẽ phản hồi ngay khi đã có thông tin được yêu cầu.

5. Theo yêu cầu của một trong hai Bên và theo các quy định tại Điều 6.13 (Tham vấn), các Bên sẽ tham vấn về tình hình trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày thông báo theo khoản 1. Việc tham vấn này sẽ được thực hiện để tránh đình trệ không cần thiết về thương mại. Các Bên có thể xem xét các phương án để tạo thuận lợi cho việc thực hiện hoặc thay thế các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

ĐIỀU 6.15

Hỗ trợ kỹ thuật và đối xử đặc biệt và khác biệt

1. Liên minh sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các nhu cầu cụ thể của Việt Nam để tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của Liên minh, bao gồm an toàn thực phẩm, sức khỏe động, thực vật, và việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

2. Phù hợp với Điều 10 của Hiệp định SPS, đối với các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật mới, Liên minh sẽ cân nhắc các nhu cầu đặc biệt của Việt Nam nhằm duy trì cơ hội xuất khẩu của Việt Nam trong khi vẫn đảm bảo mức bảo vệ của Liên minh Châu Âu. Ủy ban SPS sẽ được tham vấn theo yêu cầu của một trong hai Bên để xem xét và quyết định về:

(a) khung thời gian tuân thủ dài hơn;

(b) các điều kiện nhập khẩu thay thế trong trường hợp tương đương; và

(c) các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật.

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,840

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]