Trường hợp một nhân viên văn phòng có bệnh tim trước đó và bị xỉu trong giờ làm việc (lý do do bệnh tim chứ không do tác động của điều kiện công việc) thì có coi đây là tai nạn lao động không? Rộng hơn, những trường hợp bị bệnh trong giữa giờ làm việc, phải nhập viện cấp cứu và nghỉ điều trị bệnh, thì có coi là tai nạn lao động không?
>> Ký hợp đồng với công ty bảo vệ
Chào chị,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ của chị nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Theo như thông tin chị trình bày thì: "Trường hợp một nhân viên văn phòng có bệnh tim trước đó, và bị xỉu trong giờ làm việc (lý do do bệnh tim chứ không do tác động của điều kiện công việc)" thì không rõ kết luận "lý do do bệnh tim chứ không do tác động của điều kiện công việc" là do Đoàn điều tra lao động cấp cơ sở kết luận hay là do bên chị tự kết luận?
Nếu kết luận này là do Đoàn điều tra lao động cấp cơ sở kết luận thì:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì:
"8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động."
Theo đó, trường hợp nhân viên bị bệnh tim trước đó và xỉu trong giờ làm việc mặc dù là xảy ra trong quá trình lao động nhưng nguyên nhân là do bệnh lý của chính người lao động chứ không phải vì thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, do tác động của điều kiện công việc thì trường hợp này không được coi là tai nạn lao động. Người này có thể được giải quyết theo chế độ ốm đau.
Nếu kết luận này là do bên chị tự đưa ra chứ không phải do Đoàn điều tra lao động cấp cơ sở kết luận thì:
Nó chưa đủ cơ sở để kết luận trường hợp của người nhân viên này có phải là tai nạn lao động hay không? Mà, để xác định được thì bên chị cần tiến hành thành lập "Đoàn điều tra lao động tại doanh nghiệp".
Đoàn điều tra này sẽ tiến hành thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ người lao động bị ngất xỉu trong giờ làm việc và lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc những người có liên quan đến vụ việc.
Sau đó, mới tiến hành phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra vụ việc; kết luận về vụ người nhân viên ngất xỉu có phải là tai nạn lao động hay không; hay là do bệnh lý, lỗi của nhân viên (như không uống thuốc đúng giờ, bỏ bữa ....) để từ đó, bên chị có hướng giải quyết cho phù hợp.
Chi tiết mời chi tham khảo tại công việc sau: Thành lập đoàn điều tra lao động cấp cơ sở.
Còn đối với vấn đề "Rộng hơn, những trường hợp bị bệnh trong giữa giờ làm việc, phải nhập viện cấp cứu và nghỉ điều trị bệnh, thì có coi là tai nạn lao động không?" thì:
Như đã trao đổi với chị ở trên, những trường hợp bị bệnh trong giữa giờ làm việc, phải nhập viện cấp cứu và nghỉ điều trị bệnh có được coi là tai nạn lao động hay không nó còn phụ thuộc vào kết luận của Đoàn điều tra lao động cơ sở và bị bệnh ở đây cụ thể là như thế nào thì mới xác định chính xác được nha chị.
Cảm ơn chị đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc chị luôn thật nhiều sức khỏe.