Việc trích lập dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện và nguyên tắc trích lập theo quy định sau đây:
>> Dự phòng nợ phải thu khó đòi
>> Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính
Căn cứ Mục 7 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC, tái cơ cấu doanh nghiệp là một chương trình do Ban Giám đốc lập kế hoạch, kiểm soát và có những thay đổi quan trọng về:
- Phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc
- Phương thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ về những sự kiện nằm trong định nghĩa về tái cơ cấu doanh nghiệp như sau:
- Bán hoặc chấm dứt một dây chuyền sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp.
- Đóng cửa cơ sở kinh doanh ở một địa phương, một quốc gia khác hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ địa phương này, quốc gia này sang một địa phương hoặc một quốc gia khác.
- Thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý, ví dụ loại bỏ một cấp quản lý trong doanh nghiệp.
- Hoạt động tái cơ cấu cơ bản sẽ gây ra tác động lớn đến bản chất và mục tiêu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
(Căn cứ Mục 66 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC)
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Một khoản dự phòng (là khoản nợ phải trả không chắc chắn về giá trị hoặc thời gian) chỉ được ghi nhận khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại (nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới - xem mục 3 bên dưới) do kết quả từ một sự kiện đã xảy ra.
- Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán nghĩa vụ nợ.
- Doanh nghiệp đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.
(Căn cứ Mục 11 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC)
Một khoản dự phòng cho việc tái cơ cấu chỉ được dự tính cho những chi phí trực tiếp phát sinh từ hoạt động tái cơ cấu, đó là những chi phí thỏa mãn cả hai điều kiện:
- Là chi phí cần phải có cho hoạt động tái cơ cấu của doanh nghiệp; và
- Không liên quan đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
- Không phải là các chi phí sau đây (vì những chi phí này liên quan đến hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp và không phải là các khoản nợ phải trả cho việc tái cơ cấu tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Các chi phí này phải được ghi nhận theo nguyên tắc ghi nhận các chi phí không liên quan tới việc tái cơ cấu):
+ Chi phí đào tạo lại hoặc thuyên chuyển nhân viên hiện có của doanh nghiệp;
+ Chi phí tiếp thị; hoặc
+ Chi phí mà doanh nghiệp đầu tư vào những hệ thống mới và các mạng lưới phân phối.
(Căn cứ Mục 76 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC)
Khi tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp thì nghĩa vụ liên đới chỉ phát sinh khi:
(i) Doanh nghiệp có kế hoạch chính thức, cụ thể để xác định rõ việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó phải thoả mãn ít nhất 5 nội dung sau:
- Thay đổi toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
- Vị trí, nhiệm vụ và số lượng nhân viên của doanh nghiệp ước tính sẽ được nhận bồi thường khi họ buộc phải thôi việc.
- Các khoản chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả; và
- Khi kế hoạch tái cơ cấu được thực hiện.
Lưu ý: Để kế hoạch có đủ chi tiết liên quan đến nghĩa vụ nợ khi thông báo đến những đối tượng bị ảnh hưởng, thì phải lập và thực hiện kế hoạch càng sớm càng tốt, phải hoàn tất kế hoạch trong khoảng thời gian dự tính. Nếu doanh nghiệp dự tính vẫn còn một khoảng thời gian dài trước khi tiến hành tái cơ cấu hoặc quá trình tái cơ cấu phải mất một thời gian dài bất hợp lý, thì không thể chắc chắn là kế hoạch sẽ được thực hiện đúng thời gian cho phép.
(ii) Đưa danh sách chủ thể chắc chắn bị ảnh hưởng; thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc thông báo các vấn đề quan trọng đến những chủ thể bị ảnh hưởng của việc tái cơ cấu.
(Căn cứ Mục 68 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC)
Lưu ý: Bằng chứng cho thấy doanh nghiệp đã tiến hành kế hoạch tái cơ cấu như:
- Tháo dỡ nhà xưởng, bán tài sản; hoặc
- Thông báo công khai về những vấn đề quan trọng của kế hoạch.
Thông báo công khai về một kế hoạch tái cơ cấu cụ thể sẽ dẫn đến một nghĩa vụ nợ pháp lý khi kế hoạch đó được thực hiện theo dự tính và đầy đủ chi tiết (tức là phải chỉ rõ những vấn đề quan trọng của kế hoạch) từ đó đưa ra dự tính chắc chắn về những chủ thể có liên quan như khách hàng, các nhà cung cấp, các nhân viên (hoặc những người đại diện cho họ) để doanh nghiệp có thể tiến hành tái cơ cấu.
(Căn cứ Mục 69 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC)
- Nếu quyết định tái cơ cấu của Ban Giám đốc đưa ra trước ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì không dẫn đến nghĩa vụ nợ liên đới tại ngày đó, trừ khi trước ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà doanh nghiệp đã:
+ Bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu; hoặc
+ Thông báo những vấn đề quan trọng của kế hoạch tái cơ cấu cho những đối tượng bị ảnh hưởng theo một cách cụ thể, đầy đủ để họ có được dự tính chắc chắn về việc doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cơ cấu.
Nếu doanh nghiệp bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, hoặc thông báo những vấn đề quan trọng của kế hoạch đó tới những đối tượng bị ảnh hưởng sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì việc trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính được thực hiện theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 23 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”.
Nếu việc tái cơ cấu là trọng yếu mà không được trình bày trong báo cáo tài chính thì có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
- Nghĩa vụ nợ liên đới không chỉ được tạo ra từ quyết định của Ban Giám đốc. Nghĩa vụ nợ liên đới có thể là kết quả của các sự kiện đã xảy ra: Ví dụ:
+ Thoả thuận với đại diện của người làm công về các khoản thanh toán khi họ thôi việc; hoặc
+ Thoả thuận với người mua khi nhượng bán một bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp.
Một khi đã đạt được sự chấp thuận có thể đã được kết luận chỉ chờ chấp thuận của Hội đồng quản trị và được thông báo đến chủ thể đối tác thì lúc đó doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện tái cơ cấu nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại mục 2.
- Không có nghĩa vụ nợ phát sinh cho tới khi doanh nghiệp ký cam kết nhượng bán, tức là khi doanh nghiệp có hợp đồng nhượng bán hiện tại.
- Khi doanh nghiệp quyết định nhượng bán một bộ phận kinh doanh và thông báo công khai quyết định đó, thì vẫn chưa được coi là cam kết cho đến khi xác định được người mua và hợp đồng nhượng bán được ký kết.
Từ khi quyết định đến khi ký kết hợp đồng nhượng bán ràng buộc, doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện các hoạt động khác nếu không tìm được người mua với điều khoản phù hợp.
Khi công việc nhượng bán một bộ phận kinh doanh chỉ là một phần của việc tái cơ cấu, thì tài sản hoạt động phải được xem xét lại xem có tổn thất không và nghĩa vụ nợ liên đới có thể phát sinh từ các phần khác của việc tái cơ cấu trước khi một hợp đồng hiện tại được ký kết.
(Căn cứ Mục 71 đến Mục 74 của Chuẩn mực số 18 ban hành kèm theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC)
- Điều kiện để trích lập khoản dự phòng cho hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện theo mục 2.
- Nguyên tắc trích lập:
+ Khoản dự phòng phải trả được lập tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Khi lập dự phòng phải trả, doanh nghiệp được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
+ Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn (>) số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp của kỳ kế toán đó.
+ Trường hợp số dự phòng phải trả lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn (<) số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch phải được hoàn nhập ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp của kỳ kế toán đó.
Lưu ý: Tài khoản dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp là tài khoản 3523. Tài khoản này phản ánh số dự phòng phải trả cho hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, như chi phí di dời địa điểm kinh doanh, chi phí hỗ trợ người lao động, v.v
(Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 62 Thông tư 200/2014/TT-BTC)
>> Quý khách hàng xem thêm mẫu:
- Mẫu chứng từ kế toán (kèm theo Phụ lục số 01) ban hành kèm theo Hướng dẫn 47/HD-TLĐ.
- Mẫu báo cáo tài chính và phương pháp lập (kèm theo Phụ lục số 03) ban hành kèm theo Hướng dẫn 47/HD-TLĐ.
- Mẫu sổ kế toán (kèm theo Phụ lục số 02) ban hành kèm theo Hướng dẫn 47/HD-TLĐ.
- Báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn (Mẫu số B14-TLĐ) ban hành kèm theo Hướng dẫn 47/HD-TLĐ.
- Báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn (Mẫu số B07-TLĐ) ban hành kèm theo Hướng dẫn 47/HD-TLĐ.