Việc dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đối với doanh nghiệp được quy định như sau:
>> Dự phòng hợp đồng có rủi ro lớn của doanh nghiệp
>> Dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Thông tư 48/2019/TT-BTC, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng trong doanh nghiệp: là dự phòng chi phí cho những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng của doanh nghiệp đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua nhưng doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện theo hợp đồng hoặc theo cam kết với khách hàng.
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2019/TT-BTC, đối tượng và điều kiện trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng trong doanh nghiệp là: Những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng do doanh nghiệp thực hiện đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
- Doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã tiêu thụ và dịch vụ đã cung cấp trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng có cam kết bảo hành.
- Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng theo cam kết với khách hàng nhưng tối đa không quá 05% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và không quá 05% trên giá trị hợp đồng đối với các công trình xây dựng.
Lưu ý: Sau khi lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng vào bảng kê chi tiết. Bảng kê chi tiết là căn cứ để hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong kỳ.
(Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư 48/2019/TT-BTC)
Căn cứ khoản 4 Điều 7 Thông tư 48/2019/TT-BTC, tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, căn cứ tình hình tiêu thụ, bàn giao sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng và các cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định liên quan, doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng như sau:
- Đối tượng trích lập dự phòng theo mục 1.
- Mức trích lập dự phòng theo mục 2.
- Nếu số dự phòng phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, thì doanh nghiệp không được trích lập bổ sung khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng.
- Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn (>) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, thì doanh nghiệp trích lập bổ sung số chênh lệch đó và ghi nhận vào chi phí trong kỳ.
- Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn (<) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước đang ghi trên sổ kế toán, thì doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch đó và ghi giảm chi phí trong kỳ.
- Hết thời hạn bảo hành, nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dư còn lại được hoàn nhập vào thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp.
- Khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá được ghi nhận vào chi phí bán hàng, khoản dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây lắp được ghi nhận vào chi phí sản xuất chung.
Quý khách hàng có thể tham khảo >> Mẫu cam kết bảo hành sản phẩm.