Pháp luật quy định thế nào về nguyên tắc xử lý tài sản thế chấp tại ngân hàng? Việc xử lý tài sản thế chấp tại ngân hàng có bắt buộc phải đấu giá hay không?
>> Năm 2024, công ty tài chính cho vay tiêu dùng được gọi nhắc nợ mấy lần trong ngày?
Việc xử lý tài sản bảo đảm cần thực hiện theo 04 nguyên tắc cụ thể sau đây:
(i) Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định 21/2021/NĐ-CP và pháp luật liên quan.
Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác thì việc xử lý tài sản bảo đảm phải phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác và pháp luật có liên quan.
(ii) Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.
(iii) Trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó.
(iv) Việc bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.
(Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP)
File word Luật Đấu thầu và văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Xử lý tài sản thế chấp tại ngân hàng có bắt buộc phải đấu giá (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
(i) Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
- Bán đấu giá tài sản.
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản.
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
- Phương thức khác.
(ii) Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản (i) nêu trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
(Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015)
Căn cứ Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 tài sản phải bán thông qua đấu giá bao gồm:
(i) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
(ii) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật.
(iii) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
(iv) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
(v) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
(vi) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(vii) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
(viii) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
(ix) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
(x) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
(xi) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
(xii) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
(xiii) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
(xiv) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
(xv) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Lưu ý: Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016.
Ngoài ra, theo Điều 304 Bộ luật Dân sự 2015 còn gồm những nội dung sau:
(i) Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
(ii) Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015 và quy định sau đây:
- Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật Dân sự 2015.
- Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.