Điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật khi ký hợp đồng cho thuê mặt bằng (nhà) là gì ? Xin cảm ơn
>> Thủ tục, hồ sơ thành lập hợp tác xã nông nghiệp.
>> Các công việc pháp lý liên quan đến tách công ty
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ của anh, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Trước hết, cần phải xác định rằng, chủ thể cho thuê mặt bằng (nhà) có thuộc trường hợp hoạt động kinh doanh bất động sản hay chỉ đơn thuần là hoạt động giao dịch nhà ở.
- Trường hợp việc cho thuê mặt bằng là một hoạt động kinh doanh bất động sản mang tính chất thường xuyên thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng (Căn cứ Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP).
Khi đó, hợp đồng cho thuê mặt bằng mang bản chất là hợp đồng thương mại. Đặc trưng cơ bản của loại hợp đồng này là chủ thể giao kết hợp đồng phải có đăng ký kinh doanh (thương nhân) và mục đích chính là lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh.
- Trường hợp việc cho thuê mặt bằng chỉ là một giao dịch cho thuê nhà không mang bản chất của một tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản thì cá nhân cho thuê phải là chủ sở hữu hợp pháp của mặt bằng đó và phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Căn cứ Điều 119 Luật nhà ở 2014).
Khi đó, hợp đồng cho thuê mặt bằng mang bản chất là hợp đồng dân sự. Loại hợp đồng này, chủ thể giao kết có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân và lợi nhuận thu được không phải là mục đích chính của loại hợp đồng này.
Vấn đề nên lưu ý là trong hợp đồng cho thuê nhà phải thể hiện rõ một số nội dung sau:
- Tiền đặt cọc: Đây là số tiền để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Số tiền đặt cọc và thời điểm trả lại tiền đặt cọc là do các bên thỏa thuận (Điều 328 Bộ Luật dân sự 2015).
- Tiền thuê nhà: Số tiền thuê nhà phải đóng hàng tháng hoặc theo quý hoặc theo năm và tiền thuê nhà có bao gồm các chi phí khác (điện, nước, vệ sinh,…) hay không phải ghi rõ trong hợp đồng.
- Thời hạn cho thuê: Thời hạn thuê phải ghi rõ trong hợp đồng từ khi nào tới khi nào; có được gia hạn hay ưu tiên thuê lại hay không do các bên thỏa thuận.
- Phương thức thanh toán: bằng tiền mặt hay chuyển khoản; thời điểm thanh toán.
- Quyền cho thuê lại: Bên thuê có quyền cho thuê lại mặt bằng cho bên thứ ba nếu được sự đồng ý của bên cho thuê (Điều 475 Bộ Luật dân sự 2015)
- Điều khoản bồi thường: nếu một trong các bên vi phạm hợp đồng (theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo Điều 585 Bộ Luật dân sự 2015).
- Công chứng hợp đồng: Hợp đồng cho thuê nhà phải được công chứng, chứng thực (Căn cứ khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).
Trên đây là một số ý kiến trao đổi từ Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề anh đề xuất.