Năm 2023, khi có sử dụng người cai thầu thì trách nhiệm trả lương cho người lao động thuộc về ai, người sử dụng lao động là chủ chính hay người cai thầu? – Hạ Vy (Đà Nẵng).
>> Tiền lương làm thêm giờ năm 2023 quy định như thế nào?
>> Các trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương năm 2023?
Việc trả lương thông qua người cai thầu được quy định tại Điều 100 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
Điều 100. Trả lương thông qua người cai thầu - Bộ luật Lao động 2019 1. Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động. 2. Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. |
Từ quy định trên có thể dễ dàng thấy: Người sử dụng lao động thay vì trực tiếp sử dụng lao động thì có thể sử dụng lao động thông qua người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự).
Theo đó, việc trả lương cho người lao động không nhất thiết phải do người sử dụng lao động trực tiếp trả mà có thể trả thông qua người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) nếu đáp ứng các điều kiện tại Mục 2 bên dưới.
Trả lương thông qua người cai thầu năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Ở bất kỳ nơi nào mà người sử dụng lao động là chủ chính có sử dụng người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) để quản lý người lao động thì người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) cũng có thể thực hiện việc trả lương cho người lao động nếu người sử dụng lao động đáp ứng các điều kiện sau:
- Người sử dụng lao động phải có danh sách và địa chỉ của những người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) kèm theo danh sách những người lao động làm việc với người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự).
- Người sử dụng lao động phải bảo đảm việc người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.
Dù người cai thầu (hoặc người trung gian tương tự) có vai trò thay người sử dụng lao động quản lý, điều hành người lao động nhưng khi có tranh chấp phát sinh xảy ra thì người cai thầu lại không phải là chủ thể trực tiếp trong quan hệ lao động. Mà chủ thể trực tiếp trong quan hệ lao động lúc này là người sử dụng lao động và người lao động.
Khoản 2 Điều 100 Bộ luật Lao động 2019 được xây dựng trên tinh thần này, cụ thể quy định như sau:
- Trong trường hợp người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác cho mình.
- Trong trường hợp này, sau khi trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền: yêu cầu người cai thầu (hoặc người có vai trò trung gian tương tự) đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, quy định này nhằm ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đặc biệt là trong vấn đề về tiền lương.