Thành lập cụm công nghiệp trong năm 2024 phải thực hiện theo trình tự nào để đảm bảo đúng quy định pháp luật?
>> Năm 2024, trường hợp nào bị thu hồi giấy phép tổ chức triển lãm?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 32/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/5/2024), trình tự thành lập cụm công nghiệp theo các bước sau đây:
(i) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đầu tiên của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo rộng rãi việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập cụm công nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Thời hạn nhận hồ sơ trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra thông báo.
(ii) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ thành lập cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp lập 02 bộ hồ sơ thành lập cụm công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 32/2024/NĐ-CP kèm tệp tin điện tử của hồ sơ, gửi Sở Công thương để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định.
(iii) Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ thành lập cụm công nghiệp, Sở Công Thương hoàn thành thẩm định, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc thành lập cụm công nghiệp. Trường hợp hồ sơ, nội dung Báo cáo thành lập cụm công nghiệp không đáp ứng yêu cầu, Sở Công thương có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.
Việc lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 32/2024/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp về kết quả lựa chọn chủ đầu tư.
(iv) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được 01 bộ hồ sơ thành lập cụm công nghiệp kèm báo cáo thẩm định của Sở Công thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thành lập cụm công nghiệp. Quyết định thành lập cụm công nghiệp được gửi Bộ Công thương 01 bản.
Trường hợp cụm công nghiệp có điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 05 ha so với quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tại Quyết định thành lập cụm công nghiệp; đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.
Theo quy định nêu trên, Nghị định 32/2024/NĐ-CP đã tăng thêm thời hạn hoàn thành thẩm định, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc thành lập cụm công nghiệp của Sở Công thương lên 25 ngày so với quy định cũ (Nghị định 68/2017/NĐ-CP đã hết hiệu lực ngày 01/5/2024) là 15 ngày. Bên cạnh đó, tăng thời hạn xem xét, quyết định việc thành lập cụm công nghiệp của Sở Công thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ 05 ngày lên 07 ngày.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Trình tự thành lập cụm công nghiệp trong năm 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 11 Nghị định 32/2024/NĐ-CP, nội dung thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp được quy định như sau:
(i) Tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
(ii) Nội dung, tính khả thi của Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp:
- Căn cứ pháp lý, sự cần thiết, sự phù hợp với quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác liên quan.
- Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nhu cầu sử dụng đất, khả năng đáp ứng điều kiện cho thuê đất, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất.
- Tên gọi, diện tích, mục tiêu, ngành nghề hoạt động và lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
- Tư cách pháp lý, năng lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, tổng mức đầu tư, cơ cấu, khả năng cân đối và các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tính khả thi của phương án bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhà ở cho lao động của cụm công nghiệp.
- Chi phí liên quan và phương thức quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp sau khi đi vào hoạt động.
- Giải pháp thu hút đầu tư, di dời các dự án, cơ sở gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn cấp tỉnh (nếu có); đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp và tác động môi trường của cụm công nghiệp.
- Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có).
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 32/2024/NĐ-CP, nội dung chủ yếu của Quyết định thành lập cụm công nghiệp, gồm:
(i) Tên gọi, diện tích, địa điểm, ngành nghề hoạt động chủ yếu.
(ii) Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
(iii) Quy mô đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến tổng mức vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư.
(iv) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
(v) Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
(vi) Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
(vii) Thời điểm có hiệu lực của Quyết định thành lập cụm công nghiệp.
(viii) Nội dung khác (nếu có).