Tổ chức, cá nhân nào kinh doanh trên không gian mạng? Trường hợp nào gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng?
>> Trật tự an toàn xã hội là gì? 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự?
>> Trường hợp nào áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu?
Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng bao gồm:
(i) Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số.
(ii) Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Như vậy, có 02 đối tượng kinh doanh trên không gian mạng là tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 24 Nghị định 55/2024/NĐ-CP, quy định công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.
Công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng
1. Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Nội dung công bố công khai gồm:
Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Hành vi, địa bàn vi phạm;
Cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là 30 ngày kể từ ngày công bố. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Như vậy, thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là 30 ngày kể từ ngày công bố.
Hết thời hạn 30 ngày, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Căn cứ khoản 2 Điều 40 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, trách nhiệm công khai các thông tin cảnh báo được quy định như sau:
(i) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp, công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
(ii) Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua hệ thống thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật.
(iii) Cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng bằng hình thức phù hợp, bảo đảm thuận tiện cho người tiêu dùng tiếp nhận thông tin. Việc công khai thông tin cảnh báo phải tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.