Cuối tháng 02/2023, tôi tốt nghiệp đại học và vào thử việc vị trí kế toán của một công ty tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh – Hoài Thương (TP. Hồ Chí Minh).
>> Người lao động phải đóng bao nhiêu tiền vào quỹ phòng, chống thiên tai năm 2023?
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 03 tháng thử việc mà công ty chưa có ký hợp đồng lao động chính thức với tôi. Vậy tôi phải làm sao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?
Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 thời gian thử việc của người lao động được quy định như sau:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Thời gian thử việc (Ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, đối với vị trí công việc của bạn thì thời gian thử việc tối đa là 60 ngày; công ty chưa ký hợp đồng lao động đối với bạn trong trường hợp này là công ty đã vi phạm pháp luật về lao động. Bởi vậy, bạn cần yêu cầu công ty thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động chính thức với bạn.
Nếu bạn đã có ý kiến với công ty nhưng công ty vẫn không thực hiện việc ký hợp đồng lao động với bạn thì bạn nên nhờ công đoàn hỗ trợ; trong trường hợp vẫn không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của bạn thì bạn cần thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Bạn cần thực hiện khiếu nại lần đầu đến người sử dụng lao động, cụ thể thực hiện như sau:
(i) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi lao động của mình bị khiếu nại.
(ii) Thời hiệu khiếu nại
Theo Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thời hiệu khiếu nại được thực hiện như sau:
- Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được hành vi của người sử dụng lao động
- Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
(iii) Thời hạn thụ lý, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu
- Theo điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định thời hạn người sử dụng lao động phải thụ lý khiếu nại lần đầu là 7 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động nhận được đơn khiếu nại.
- Theo Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định thời hạn người sử dụng lao đông phải giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.
(iv) Giải quyết giải khiếu nại lần đầu
Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại của người sử dụng lao động nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của bạn vẫn chưa được đảm bảo hoặc quá thời gian quy định mà khiếu nại của bạn không được giải quyết, thì bạn có thể thực hiện khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Trong trường hợp khiếu nại lần đầu không đạt được kết quả thì bạn có thể thực hiện khiếu nại lần hai tại Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cụ thể thực hiện như sau:
(i) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai
Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, quy định Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
(ii) Thời hiệu khiếu nại lần hai
Theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
(iii) Thời hạn thụ lý, thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai
- Theo khoản 2 Điều 27 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
- Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
(iv) Giải quyết khiếu nại lần hai
Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của bạn vẫn chưa được đảm bảo hoặc quá thời gian quy định mà khiếu nại của bạn không được giải quyết, thì bạn thực hiện khởi kiện tại Tòa án theo quy định của điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Sau khi khiếu nại lần đầu nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của bạn vẫn không được đảm bảo, bạn có thể tiến hành khởi khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.