Năm 2023, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm như thế nào? Trách nhiệm của các bên trong trường hợp tái bảo hiểm được quy định ra sao? – Vũ Phong (Lào Cai).
>> Nội dung phải có trong hợp đồng bảo hiểm 2023 theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022?
>> Năm 2023, người lao động sinh con vào tháng mấy sẽ lợi hơn về chế độ thai sản?
Theo Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023) quy định về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm cụ thể như sau:
- Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm.
- Trường hợp người được bảo hiểm, người thụ hưởng chứng minh được rằng không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn được nêu trên được tính từ ngày người được bảo hiểm, người thụ hưởng biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.
- Trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn nêu trên tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.
Bên cạnh đó, thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm cũng được quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022:
- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo quá thời hạn 15 ngày cho phép thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm năm 2023 (Ảnh minh họa)
Căn cứ theo Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện như sau:
- Bên mua bảo hiểm có quyền chuyển giao hợp đồng bảo hiểm.
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc chuyển giao phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm.
- Bên nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao.
Lưu ý: Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản và được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đồng ý bằng văn bản, trừ trường hợp việc chuyển giao được thực hiện theo tập quán quốc tế hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trách nhiệm của các bên trong trường hợp tái bảo hiểm được quy định cụ thể là:
- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài
+ Phải chịu trách nhiệm duy nhất đối với bên mua bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, kể cả trong trường hợp tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
+ Không được từ chối hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm của mình đối với bên mua bảo hiểm kể cả trường hợp doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận.
Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không được yêu cầu bên mua bảo hiểm trực tiếp đóng phí bảo hiểm cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Đối với bên mua bảo hiểm: Không được yêu cầu doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, nếu xảy ra tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, thì được giải quyết thông qua các phương thức như sau:
- Thương lượng giữa các bên.
- Trường hợp không thương lượng được thì giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật.
(Theo quy định tại Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
>> Xem thêm bài viết chính sách liên quan:
>> Quy định về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm 2023 theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
>> Nội dung phải có trong hợp đồng bảo hiểm 2023 theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
>> Các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm từ năm 2023