Thành viên công ty hợp danh có được làm chủ doanh nghiệp tư nhân không? Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh được quy định như thế nào?
>> DHCP là gì? Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng như thế nào?
>> Ban kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân có tối thiểu bao nhiêu thành viên?
Căn cứ khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh sẽ có hai loại thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.
(i) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
(ii) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Căn cứ khoản 1 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh
1. Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
…
Ngoài ra, khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định như sau:
Doanh nghiệp tư nhân
…
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
…
Như vậy, có thể thấy nếu là thành viên hợp danh thì không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, còn nếu là thành viên góp vốn thì có thể đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân.
Toàn văn Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn |
Thành viên công ty hợp danh có được làm chủ doanh nghiệp tư nhân không
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên góp vốn có quyền sau đây:
(i) Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình.
(ii) Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty.
(iii) Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty.
(iv) Có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty.
(v) Xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty.
(vi) Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.
(vii) Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh ngành, nghề kinh doanh của công ty.
(viii) Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty.
(ix) Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản.
(x) Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Căn cứ khoản 2 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên góp vốn có nghĩa vụ sau đây:
(i) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp.
(ii) Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty.
(iii) Tuân thủ Điều lệ công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng thành viên.
(iv) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.