Tài khoản 301 (tài sản cố định hữu hình) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô hiện nay được quy định như thế nào? – Ngọc Huyền (Thanh Hóa).
Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 301 (tài sản cố định hữu hình) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 05/2019/TT-BTC cụ thể như sau:
- Tài khoản 301 (tài sản cố định hữu hình) dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm toàn bộ tài sản cố định hữu hình của tổ chức tài chính vi mô theo nguyên giá.
- Hạch toán tài khoản 301 thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 - Tài sản cố định hữu hình. Việc quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thực hiện theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính ban hành.
- Kế toán phải mở tài khoản chi tiết để theo dõi từng loại tài sản cố định hữu hình.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Tài khoản 301 (tài sản cố định hữu hình) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô, được quy định thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 05/2019/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 301 (tài sản cố định hữu hình) áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô được quy định như sau:
Bên Nợ:
- Nguyên giá của tài sản cố định hữu hình tăng do xây dựng cơ bản hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do mua sắm, do nhận vốn góp, do được cấp, do được tặng biếu, tài trợ, phát hiện thừa;
- Điều chỉnh tăng nguyên giá của tài sản cố định do xây lắp, trang bị thêm hoặc do cải tạo nâng cấp;
- Điều chỉnh tăng nguyên giá tài sản cố định do đánh giá lại.
Bên Có:
- Nguyên giá của tài sản cố định hữu hình giảm do điều chuyển, do nhượng bán, thanh lý hoặc đem đi góp vốn liên doanh,...
- Nguyên giá của tài sản cố định giảm do tháo bớt một hoặc một số bộ phận;
- Điều chỉnh giảm nguyên giá tài sản cố định do đánh giá lại.
Số dư bên Nợ: Nguyên giá tài sản cố định hữu hình hiện có ở tổ chức tài chính vi mô cuối kỳ.
Xem chi tiết tài khoản 299 (dự phòng rủi ro cho vay) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô ban hành kèm theo Thông tư 05/2019/TT-BTC (tại đây).
Tại Điều 11 Luật Kế toán 2015, quy định chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán như sau:
(i) Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
(ii) Chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả-rập; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
(iii) Doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoặc của tổ chức nước ngoài phải chuyển báo cáo tài chính về công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài hoặc sử dụng chung phần mềm quản lý, thanh toán giao dịch với công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài được sử dụng dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ; khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị được đặt dấu chấm (.) và phải chú thích trong tài liệu, sổ kế toán, báo cáo tài chính.
Trong trường hợp này, báo cáo tài chính nộp cơ quan thuế, cơ quan thống kê và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phải thực hiện theo quy định tại mục 2(ii) nêu trên.