Tôi đang nghỉ sinh con, hiện tôi muốn đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con 1 tháng có được không, tôi được hưởng quyền lợi gì? – Kiều Loan (Quảng Bình).
>> Mức hưởng chế độ thai sản năm 2023 được quy định như thế nào?
>> Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai năm 2023?
Theo khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi có đủ những điều kiện sau:
- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất 04 tháng;
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật lao động 2019 quy định thêm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh mà lao động nữ muốn đi làm lại thì cần phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
Quyền lợi của lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con năm 2023? (Ảnh minh họa)
>> Xem chi tiết công việc liên quan:
>> Hồ sơ giải quyết chế độ thai sản trong doanh nghiệp
>> Mức đóng các loại bảo hiểm trong doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì quyền lợi của lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con bao gồm:
Thứ nhất, tiền lương của những ngày làm việc;
Thứ hai, vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn theo quy đinh tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể là:
Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
…
3. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 người lao động hưởng chế độ thai sản tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản sẽ được tính như sau:
Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản
1. a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
…
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, đối với thời gian nghỉ việc còn lại thì mức hưởng chế độ thai sản mà lao động nữ nhận được là:
- Mức hưởng hưởng chế độ thai sản một tháng: bằng 100% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ là mức bình quân của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo trợ cấp tháng, trường hợp có ngày lẻ thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
>> Xem thêm bài viết liên quan:
>> Từ 01/7/2023, tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
>> Mức hưởng chế độ thai sản năm 2023 được quy định như thế nào?