Phụ gia thực phẩm là gì? Sử dụng phụ gia thực phẩm quá mức cho phép bị phạt bao nhiêu? Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm được quy định thế nào?
>> Đất tôn giáo là gì? Có được chuyển nhượng đất tôn giáo hay không?
Căn cứ khoản 13 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010, phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm quá mức cho phép như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm
…
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
b) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng thực phẩm;
c) Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép.
…
Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần cá nhân (khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Như vậy, sử dụng phụ gia thực phẩm quá mức cho phép sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và phạt từ 40 – 60 triệu đồng đối với tổ chức.
![]() |
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực |
Phụ gia thực phẩm là gì? Sử dụng phụ gia thực phẩm quá mức cho phép bị phạt bao nhiêu?
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 9 Luật An toàn thực phẩm 2010, người tiêu dùng thực phẩm có các quyền và nghĩa vụ sau:
(i) Quyền của người tiêu dùng thực phẩm
- Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
(ii) Nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm
- Tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
- Kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng thực phẩm.