Cho tôi hỏi: tôi hiện đang làm việc cho một công ty về sản xuất đồ uống. Sắp tới, HĐLĐ giữa tôi với công ty sẽ hết hạn và đây đã là lần thứ hai tôi ký kết HĐLĐ với công ty. Theo tôi biết, công ty chỉ được ký kết HĐLĐ có thời hạn với người lao động tối đa là 02 lần. Như vậy, khi công ty yêu cầu tôi ký tiếp vào HĐLĐ có thời hạn nữa thì có trái quy định pháp luật không?
>> NLĐ không đi làm lại sau thời gian tạm hoãn HĐLĐ thì có bị chấm dứt HĐLĐ không?
>> Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc cần bao nhiêu người tham gia?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định về như sau:
“Điều 20. Loại hợp đồng lao động
…
Tức là, người sử dụng lao động chỉ được ký kết tối đa 02 lần HĐLĐ xác định thời hạn và sau đó phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn với người lao động nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc, trừ các trường hợp sau:
- Người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;
- Sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà thời hạn của HĐLĐ không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi đó, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ thì phải gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người này.
Như vậy, xét trường hợp của anh/chị, nếu anh/chị thuộc các trường hợp mà người sử dụng lao động được ký kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn (nêu trên) thì công ty có quyền yêu cầu anh/ chị tiếp tục ký kết vào một HĐLĐ xác định thời hạn khác.
Ngược lại, nếu anh/chị không thuộc trường hợp nêu trên, công ty phải giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn với anh/chị. Việc công ty vẫn tiếp tục giao kết HĐLĐ xác định thời hạn trong trường hợp này là hành vi vi phạm quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Khi đó, căn cứ Khoản 1 và Khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành như sau:
- Hình phạt chính là phạt tiền với các mức sau:
+ Từ 2 đến 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 5 đến 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 10 đến 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 15 đến 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 20 đến 25 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động (cụ thể là HĐLĐ không xác định thời hạn).
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!