Tôi đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, giờ tôi muốn nghỉ việc ngang và không báo trước. Vậy tôi gánh lấy hậu quả pháp lý gì? Thu An (TP. Hồ Chí Minh)
>> Có được đóng BHXH bắt buộc ở mức cao để sau này nhận lương hưu nhiều?
>> Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2023 tại doanh nghiệp tư nhân thực hiện thế nào?
Tôi bất đồng quan điểm làm việc với sếp mới (quản lý trực tiếp) nên muốn nghỉ việc nhưng sếp Tổng (Giám đốc) không đồng ý. Vậy tôi tự ý nghỉ việc ngay lập tức (vì không muốn làm việc với quản lý trực tiếp thêm một ngày nào nữa) thì có gánh lấy hậu quả pháp lý gì hay không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (tự ý nghỉ việc) như sau:
- Thứ nhất, không được trợ cấp thôi việc.
- Thứ hai, phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Thứ ba, phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
Mẫu đơn xin phép nghỉ 60 phút/ngày và hưởng nguyên lương năm 2022
Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)
Theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, trợ cấp thôi việc được quy định như sau:
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Theo Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề được quy định như sau:
- Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
- Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Nghề đào tạo; Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo; Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo; Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; Trách nhiệm của người sử dụng lao động; Trách nhiệm của người lao động.
- Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Căn cứ vào các nội dung nêu trên, trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc trái quy định pháp luật sẽ gánh lấy hậu quả như trên; do đó, người lao động muốn nghỉ việc cần phải thỏa thuận với người sử dụng lao động hoặc thông báo trước thời gian nghỉ việc đúng với quy định pháp luật để tránh gặp rủi ro pháp lý.