Công ty tôi dự định tuyển nhân viên thời vụ làm một số đơn hàng cho ngày Tết. Nhân viên thời vụ là gì? Mức lương tối thiểu theo giờ của nhân viên thời vụ? – Hoài Thương (Đồng Nai).
>> Dư phép năm 2023, có được “bù – trừ” để nghỉ Tết Âm lịch 2024 dài ngày?
>> Giá vàng PNJ hôm nay là bao nhiêu? Tặng vàng PNJ cho nhân viên có được xem là chi phí hợp lý?
Nhân viên thời vụ là gì? Đây là cụm từ tìm kiếm khá phổ biến trên các trang thông tin việc làm, tuyển dụng. Bài viết sau đây sẽ làm rõ khái niệm nhân viên thời vụ là gì? Mức lương tối thiểu theo giờ của nhân viên thời vụ?
Nhân viên thời vụ là người lao động được tuyển dụng để làm việc trong một thời gian nhất định, thường là theo mùa vụ, theo dự án hoặc theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đây, tại Bộ luật Lao động 2012 có đề cập về hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Và quy định không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên,… (Hiện tại Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định loại hợp đồng này).
Có thể hiểu đơn giản, việc làm thời vụ là những công việc ngắn hạn, tạm thời, không mang tính chất thường xuyên,… tại một đơn vị/tổ chức nào đó.
Đặc biệt vào thời điểm cuối năm và dịp Lễ, Tết hàng năm, những công việc thời vụ phổ biến như: Làm đóng gói quà tết cho các cửa hàng tạp hoá; Làm vệ sinh nhà cửa, cơ quan theo giờ; Nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn;...
Nhìn chung, việc làm thời vụ dù ngắn hạn nhưng lại thu hút rất nhiều lao động do không đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, nhiều loại hồ sơ giấy tờ,... mà lại linh hoạt, ít bị gò bó thời gian.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Nhân viên thời vụ là gì? Mức lương tối thiểu theo giờ của nhân viên thời vụ? (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Mức lương tối thiểu theo giờ của nhân viên thời vụ được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu theo giờ của nhân viên thời vụ áp dụng từ ngày 01/07/2022 như sau:
- Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng hoặc 22.500 đồng/giờ
- Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng hoặc 20.000 đồng/giờ
- Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng hoặc 17.500 đồng/giờ
- Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng hoặc 15.600 đồng/giờ
Như vậy, trường hợp người lao động làm việc theo giờ thì người sử dụng lao động không được trả lương cho người lao động thấp hơn mức nêu trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể trả lương cho nhân viên thời vụ cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền lợi khác cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Căn cứ Điều 13 Bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 quy định 02 loại hợp đồng lao động là:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Thông thường, đối với việc làm thời vụ thì người sử dụng lao động và người lao động sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn. Thời hạn hợp đồng thời vụ vẫn do người lao động và người sử dụng tự thỏa thuận, có thể là 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng,… nhưng không quá 36 tháng. Hai bên có thể giao kết hợp đồng thời vụ bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.