Trong năm 2024 người lao động tự ý bỏ việc sẽ bồi thường như thế nào cho công ty? Trong trường hợp này có được chốt sổ bảo hiểm xã hội hay không? – Minh Dương (Nghệ An).
>> Công ty trả lương qua thẻ Vietcombank ATM thì người lao động có tốn phí?
>> KPI là gì? Người lao động không hoàn thành KPI năm 2024 có bị đuổi việc?
Căn cứ Điều 40 Bộ luật lao động 2019, người lao động tự ý bỏ việc sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
Như vậy, việc người lao động tự ý bỏ việc trong năm 2024 mà không báo trước theo thời hạn quy định sẽ phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày người lao động không báo trước cho công ty.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Giải đáp câu hỏi, năm 2024, người lao động tự ý bỏ việc sẽ bồi thường như thế nào cho công ty
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Bên cạnh đó căn cứ khoản 4 và khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
- Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
- Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, công ty có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội sau khi người lao động nghỉ việc. Mặc dù người lao động tự ý bỏ việc thì công ty vẫn phải có trách nhiệm chốt và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi hợp đồng lao động đã chấm dứt và người lao động không còn làm việc cho công ty nữa.
Căn cứ Điều 62 Bộ luật lao động 2019, hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nghề đào tạo.
- Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo.
- Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo.
- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
- Trách nhiệm của người lao động.
Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.