LMS là gì? LMS có phổ biến trong đào tạo tại các doanh nghiệp và tổ chức không? Pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp như thế nào?
>> Kho bảo thuế là gì? Điều kiện công nhận kho bảo thuế?
>> Mã số địa điểm kinh doanh được quy định như thế nào?
LMS là từ viết tắt của Learning Management System, hay còn gọi là Hệ thống quản lý học tập. Đây là một phần mềm ứng dụng cho phép quản lý và tổ chức các tài liệu, nội dung đào tạo thành các khóa học hoặc chương trình đào tạo. LMS giúp kết nối người học và giảng viên, đồng thời truyền tải nội dung đào tạo một cách linh hoạt, không bị giới hạn bởi thời gian và địa điểm. Ngoài ra, hệ thống này còn hỗ trợ theo dõi và báo cáo hiệu suất học tập của học viên cũng như hiệu quả của chương trình đào tạo. Vì vậy, LMS được coi là nền tảng cốt lõi cho học tập trực tuyến (E-learning).
LMS lần đầu xuất hiện vào những năm 1990 với mục tiêu hỗ trợ đào tạo tại các trường đại học. Sau đó, nó nhanh chóng được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục, cho phép các trường học và trung tâm đào tạo cung cấp các chương trình học trực tuyến chất lượng cao. Ngày nay, LMS đã trở thành một công cụ thiết yếu trong giáo dục hiện đại. Không chỉ được sử dụng trong trường học, LMS còn phổ biến trong đào tạo tại các doanh nghiệp và tổ chức, với sự đa dạng về tính năng và khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.
Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo
Toàn văn File word Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
LMS là gì; Trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ vào Điều 43 Nghị định 15/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 20 Điều 2 Nghị định 24/2022/NĐ-CP) quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm những nội dung sau đây:
(i) Hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
(ii) Cử người đại diện là chuyên gia, cán bộ kỹ thuật phù hợp tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
(iii) Tự tổ chức đào tạo, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo; đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp theo quy định.
(iv) Cung cấp thông tin phản hồi về chất lượng lao động qua đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thông tin cho các cuộc điều tra, khảo sát của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi có yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp.
(v) Tiếp nhận nhà giáo, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp hoặc cập nhật, tiếp cận công nghệ mới; trả tiền lương cho nhà giáo, học sinh, sinh viên trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách bao gồm hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trên thị trường trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận. Trường hợp tiếp nhận người lao động vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng đào tạo với người lao động và không thu học phí.
(vi) Trả chi phí đào tạo, trả lương cho người lao động của doanh nghiệp trong thời gian nghỉ đi học theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật.
(vii) Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định tại các Điều 60, 61 Bộ luật Lao động 2019.
(viii) Thực hiện trách nhiệm xã hội đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững của giáo dục nghề nghiệp thông qua các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.
(ix) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.