PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Tôi làm việc được 5 năm rồi nghỉ việc, nhưng tôi không làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian này tôi tìm được việc khác nhưng chưa ký hợp đồng chính thức nên chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy sau 4 tháng tính từ khi nghỉ đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Mong được hỗ trợ (anh Tài – Đông Hòa, Phú Yên)
>> Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần?
>> Thời hạn tối đa cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để khám bệnh ngoại trú
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người lao động chưa có việc làm;
- Có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
>>> Như vậy, trường hợp của anh sau 4 tháng kể từ ngày nghỉ đóng bảo hiểm thất nghiệp (được hiểu là ngày chấm dứt hợp đồng lao động) mà không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không đáp ứng được các điều kiện nêu trên. Do đó anh sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, khi anh không làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của anh sẽ được tự động bảo lưu cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!