PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Vừa rồi, tôi có nghỉ việc để khám chữa bệnh (ngoại trú). Vậy cho hỏi việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trong trường hợp khám bệnh ngoại trú trong bao lâu? Mong được hỗ trợ
>> Những khoản thu nhập nào tính đóng và không tính đóng BHXH bắt buộc năm 2022?
>> Sau khi nghỉ việc, có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo Điều 20 Thông tư 56/2017/TT-BYT có quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội như sau:
- Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;
+ Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Lưu ý:
- Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
- Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải thực hiện theo nguyên tắc được nêu trên. Theo Khoản 2 Điều 21 Thông tư 56/2017/TT-BYT có quy định về hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và cách ghi nội dung giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội quy định: đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đang điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.
- Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Ngoài ra, theo Mục II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.
Như vậy, số ngày nghỉ tối đa không quá 30 ngày, riêng trường hợp điều trị bệnh lao thì tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!