Trong năm 2024, nếu công ty không đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc sẽ bị xử phạt như thế nào? Cụ thể sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? – Ánh Nguyệt (Lạng Sơn).
>> Công đoàn là gì? Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở 2024 tại công ty?
>> Bitcoin là gì? Năm 2024, có được trả lương bằng bitcoin cho người lao động?
Căn cứ khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động như sau:
(i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với công ty có một trong các hành vi sau đây:
- Không xây dựng, ban hành hoặc không tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn lao động tại nơi làm việc hoặc khi xây dựng không lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn lao động hoặc bố trí người làm công tác an toàn lao động nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác y tế hoặc không ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định hoặc bố trí người làm công tác y tế nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Không bố trí đủ lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định.
- Không tổ chức huấn luyện cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc hoặc tổ chức huấn luyện nhưng không đảm bảo theo quy định.
(ii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với công ty có một trong các hành vi sau đây:
- Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định.
- Không trang bị các thiết bị an toàn lao động tại nơi làm việc theo quy định.
- Không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc.
- Không lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động đối với nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động nghiêm trọng.
- Không bảo đảm đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.
- Không trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để đảm bảo ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động nghiêm trọng hoặc gây tai nạn lao động.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Mức xử phạt nếu công ty không đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc năm 2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
(iii) Phạt tiền đối với công ty có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
(iv) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với công ty có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Căn cứ Điều 20 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, việc cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động như sau:
(i) Người sử dụng lao động phải thường xuyên phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức cho người lao động tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
(ii) Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.