Khi nào công ty chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động? Cách tính trợ cấp mất việc làm? Công ty không trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động bị phạt bao nhiêu tiền?
>> Nghỉ việc có bắt buộc bàn giao công việc không?
>> Có cần xin giấy phép lao động đối với chủ tịch Hội đồng quản trị là người nước ngoài không?
Căn cứ khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, công ty có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
(i) Đã làm việc thường xuyên cho công ty từ 12 tháng trở lên.
(ii) Thuộc đối tượng bị mất việc một trong các trường hợp sau:
- Công ty thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.
- Công ty thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của công ty.
- Công ty thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm
- Công ty chịu tác động suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng kinh tế.
- Công ty thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
- Công ty thực hiện chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất.
- Công ty bán, cho thuê hay chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Công ty chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Điều kiện để người lao động hưởng trợ cấp mất việc làm (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, mức hưởng trợ cấp mất việc làm cho người lao động dựa trên nguyên tắc: Cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm như sau:
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm = tổng thời gian làm việc thực tế - thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp - thời gian làm việc đã được trả trợ cấp mất việc làm
Trong đó:
(i) Tổng thời gian làm việc thực tế bao gồm:
- Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc.
- Thời gian thử việc.
- Thời gian được công ty cử đi học.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được công ty trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương.
- Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động.
- Thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2019, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 Bộ luật Lao động 2019.
- Thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019.
(ii) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng được công ty chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức công ty đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
(iii) Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng).
Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
(Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc cho người lao động bị phạt như sau:
- Từ 01 - 02 triệu đồng: vi phạm từ 01 - 10 người lao động.
- Từ 02 - 05 triệu đồng: vi phạm từ 11 - 50 người lao động.
- Từ 05 - 10 triệu đồng: vi phạm từ 51 - 100 người lao động.
- Từ 10 - 15 triệu đồng: vi phạm từ 101 - 300 người lao động.
- Từ 15 - 20 triệu đồng: vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý: mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm gấp 02 lần cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2020/NĐ-CP).
Như vậy, công ty không trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 02 - 40 triệu đồng.