Chủ tịch Hội đồng quản trị là người nước ngoài có cần xin giấy phép lao động không? Người lao động nước ngoài đáp ứng các điều kiện nào để làm việc tại Việt Nam?
>> Thuốc lá điện tử là gì? Có được hút thuốc lá điện tử trong công ty không?
>> Làm việc sau tuổi nghỉ hưu có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, quy định trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Ngoài các trường hợp quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động:
…
2. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
…
Như vậy, Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 03 tỷ đồng trở lên là người nước ngoài thì không cần xin cấp giấy phép lao động.
Lưu ý: Công ty phải xin giấy xác không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 10 ngày, kể từ ngày chủ tịch Hội đồng quản trị nước ngoài bắt đầu làm việc (theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(i) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
(ii) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
(iii) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
(iv) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động bao gồm:
(i) Giấy phép lao động hết hiệu lực. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực:
- Giấy phép lao động hết thời hạn.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
- Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.
- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.
- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.
- Giấy phép lao động bị thu hồi.
(ii) Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
(iii) Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Căn cứ khoản 4 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động như sau:
Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
…
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Lưu ý: mức phạt này chỉ áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, công ty có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động, bị phạt tiền như sau:
- Từ 60 - 90 triệu đồng: đối với vi phạm từ 01 - 10 người.
- Từ 90 - 120 triệu đồng: đối với vi phạm từ 11 - 20 người.
- Từ 120 - 150 triệu đồng: đối với vi phạm từ 21 người trở lên.