Trong năm 2023, trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại doanh nghiệp tư nhân bị kéo dài thời gian tăng lương? – Thị Mai (TP. Hồ Chí Minh).
>> Năm 2023, công chức, viên chức, người lao động phạm lỗi gì sẽ bị đuổi việc?
>> Năm 2023, cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ còn bao nhiêu đợt nghỉ lễ?
Việc kéo dài thời gian nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong năm 2023 được thực hiện như sau:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-BNV (sau đây gọi là Thông tư 08/2013/TT-BNV), thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên như sau:
- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 05 năm giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 03 năm giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 02 năm giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Những thông tin quan trọng năm 2023 dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động |
Cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ bị kéo dài thời gian tăng lương
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV, trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định tại khoản 1.1 nêu trên như sau:
- Kéo dài 12 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.
- Kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.
- Kéo dài 03 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách.
- Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài quy định nêu trên.
- Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng quy định nêu trên.
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật hành chính quy định nêu trên.
Căn cứ khoản 2 Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được quyền quy định trong nội quy lao động các trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật với hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
Do đó, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân cần xem kỹ nội quy lao động của công ty mình đang làm việc, trường hợp nào sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương.