Hoãn đình công là gì? Những trường hợp nào thực hiện hoãn đình công? Trình tự hoãn đình công và thủ tục thực hiện hoãn đình công được quy định như thế nào?
>> Doanh nghiệp gặp khó khăn có được miễn, giảm kinh phí công đoàn không?
>> Thời gian nghỉ thai sản có được dùng để tính phép năm không?
Căn cứ khoản 1 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hoãn đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định lùi thời điểm bắt đầu cuộc đình công đã ấn định trong quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
Căn cứ khoản 3 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, các trường hợp hoãn đình công bao gồm:
(i) Đình công dự kiến sẽ tổ chức tại các đơn vị cung cấp điện, nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày lễ, tết.
(ii) Đình công dự kiến sẽ tổ chức tại địa bàn đang diễn ra các hoạt động nhằm phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định.
Như vậy, khi thuộc hai trường hợp trên Chủ tịch UBND tỉnh sẽ hoãn đình công.
File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất |
Những trường hợp nào thực hiện hoãn đình công
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 110 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trình tự, thủ tục hoãn đình công được quy định như sau:
(i) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải xem xét, nếu thấy cuộc đình công thuộc các trường hợp quy định tại Mục 1.2 thì có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn cuộc đình công.
Văn bản đề nghị hoãn đình công gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Tên người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công.
- Tên tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
- Địa điểm dự kiến diễn ra đình công.
- Thời điểm dự kiến bắt đầu đình công.
- Yêu cầu của tổ chức đại diện người lao động.
- Lý do cần thiết phải hoãn cuộc đình công.
- Kiến nghị hoãn đình công, thời hạn hoãn đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(ii) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hoãn đình công.
(iii) Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công.
Quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
(iv) Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người lao động, người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan phải thực hiện ngay việc hoãn đình công theo quy định.
|