Hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo bị phạt bao nhiêu? Quyền của chủ hộ kinh doanh là gì? Một hộ kinh doanh có được kinh doanh ở nhiều địa điểm không?
>> Khoản vay ngắn hạn nước ngoài là gì? Thỏa thuận vay nước ngoài bao gồm những nội dung gì?
>> Đăng ký dạy thêm tại căn hộ chung cư có được không?
Căn cứ điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo như sau:
Vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;
d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
…
Như vậy, hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo bị phạt từ 5 -10 triệu đồng. Ngoài ra, buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc chuyển địa điểm kinh doanh nói trên.
![]() |
Toàn văn Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn |
Hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo bị phạt bao nhiêu?
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh như sau:
1. Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
4. Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
5. Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chủ hộ kinh doanh có các quyền và nghĩa vụ theo quy định nêu trên.
Căn cứ khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy định địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Như vậy, một hộ kinh doanh có thể kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo với cơ quan nhà nước về các địa điểm kinh doanh còn lại.
Xem thêm>> Chủ hộ kinh doanh phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 01/07/2025 đúng không?