Do mượn một khoản tiền nhưng chưa có khả năng chi trả hết nên chủ nợ đã ép tôi nghỉ làm để về làm việc cho họ và trừ nợ dần. Vậy việc này có đúng quy định không? – Hạ Nhi (Hà Nam).
>> Năm 2023, những công việc nào được thuê lại lao động để làm việc?
>> Người lao động dưới 18 tuổi, có được tăng ca?
Căn cứ Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, các hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động đươc quy định như sau:
Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo quy định nêu trên, hành vi ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động là hành vi mà doanh nghiệp không được phép thực hiện khi giao kết, thực hiện hợp đồng.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Ép người lao động làm việc để trả nợ, công ty có bị phạt không?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty ép buộc người lao động làm việc để trả nợ sẽ bị phạt như sau:
Điều 11. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
…4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
b) Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
…
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm được quy định như sau:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…
Như vậy, trường hợp công ty ép người lao động làm việc để trả nợ thì có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng (do mức phạt của tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt của cá nhân vi phạm).
Căn cứ Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động được quy định như sau:
(1) Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp (2) dưới đây.
(2) Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
(3) Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
(4) Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
(5) Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.